Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên Khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2019. (Ảnh: QT) |
Chủ động và nỗ lực không ngừng của TP. Hồ Chí Minh
Phát biểu tại phiên Khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2019, về sự đồng hành của Bộ Ngoại giao trong việc hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm Tài chính quốc tế và khu vực, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, một trong những trọng tâm của ngành ngoại giao, của Bộ Ngoại giao chính là phục vụ phát triển, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp trong triển khai hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã bước vào giai đoạn hội nhập sâu và rộng hơn. Hội nhập hiện nay đã mở rộng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá, vai trò của các địa phương, doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế ngày càng được đề cao. Hội nhập kinh tế quốc tế tạo điều kiện cho địa phương và doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè các nước, tận dụng và thu hút nguồn lực để phát triển doanh nghiệp, địa phương và đất nước.
Những thành tựu hội nhập quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thế và lực mới cho Việt Nam tiếp tục tăng cường và khai thác hiệu quả tiến trình hội nhập.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, trong tiến trình hội nhập, Bộ Ngoại giao luôn xác định, bên cạnh nhiệm vụ then chốt là duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế đất nước, hoạt động hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế. Điều này được thể hiện trong Chỉ thị số 03/CTBT/2017 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế vì mục tiêu phát triền bền vững giai đoạn 2017-2020, cũng như trong các hoạt động hỗ trợ hàng ngày của Bộ Ngoại giao và mạng lưới gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh, với vai trò là đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hoá, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của cả nước, đã luôn chủ động, tiên phong trong triển khai các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực vào việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng. Nhà nước, đồng thời thu hút đầu tư, viện trợ nước ngoài, tranh thủ tối đa các nguồn lực cho sự phát triển của Thành phố nói riêng và của đất nước nói chung.
Hơn 800 đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2019. (Ảnh: Thanh Tùng) |
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng cho biết, tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 tại Hà Nội với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, được Diễn dàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá là diễn đàn khu vực thành công nhất từ trước tới nay. Phần giới thiệu về mô hình đô thị thông minh của Thành phố do Bí thư thành uỷ TP. Hồ Chi Minh Nguyễn Thiện Nhân đã được các chính khách và chuyên gia trong khu vực đánh giá rất cao.
Cam kết đồng hành của Bộ Ngoại giao
Ngay sau thành công của Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chi Minh 2018, với chủ đề “Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp" có thể coi là sự tiếp nối của chủ trương phát triển TP. Hồ Chi Minh theo hướng văn minh, hiện đại. Đây cũng là minh chứng cho sự chủ động và nhạy bén của Thành phố trong đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, trên cơ sở nắm bắt xu thế phát triển của khu vực và quốc tế.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá, chủ đề của Diễn đàn năm nay về phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chinh khu vực và quốc tế tiếp tục phản ánh sự quyết tâm của Thành phố trong phát huy nội lực và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đúng với tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh theo hướng "từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và của khu vực Đông Nam Á.
Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2019. (Ảnh: Thanh Tùng) |
"Qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước và nghe phát biểu của các đại biểu chuyên gia quốc tế và trong nước, tôi tin rằng, TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn có khả năng phát huy tiềm năng thế mạnh của mình và của Việt Nam để trở thành một trung tâm tài chính cho cả nước và gắn kết chặt chẽ với các trung tâm tài chính khu vực và thế giới.", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn tin tưởng.
Trước mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn nêu rõ, Bộ Ngoại giao cùng với mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thể hỗ trợ Thành phố dưới ba phương diện.
Một là, hỗ trợ thông tin về kinh nghiệm quốc tế của các trung tâm tài chính lớn trên thế giới để Thành phố tham khảo.
Hai là, giới thiệu và kết nối Thành phố với các chuyên gia, học giả có chuyên môn và kinh nghiệm để thảo luận, tiếp thu các ý kiến, đóng góp vào công tác xây dụng khuôn khổ chính sách, định hướng phát triển.
Ba là, hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài có thực lực, hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến đầu tư tại Thành phố.
Kết thúc bài phát biểu, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh cam kết, "Bộ Ngoại giao đã và sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước trên địa bàn Thành phố, trong tiến trình hội nhập, mở rộng quan hệ với các địa phương trên thế giới, tiếp cận các công nghệ và kinh nghiệm tiên tiến của quốc tế."