📞

Bộ Ngoại giao chú trọng công tác bình đẳng giới

13:52 | 06/03/2014
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Phó Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Bộ Ngoại giao đã khẳng định điều đó trong cuộc trả lời phỏng vấn của TG&VN Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Phó Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Bộ Ngoại giao.

Thưa ông, nếu nhìn vào con số 1.055 là nữ giới, chiếm gần 41% tổng số cán bộ, công chức trong Bộ, có thể thấy công tác nữ ở Bộ Ngoại giao rất được chú trọng?

Bộ Ngoại giao luôn quán triệt và tích cực thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước đối với công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Điều này thể hiện qua việc xây dựng đội ngũ cán bộ nữ cũng như việc thực hiện bình đẳng giới được Bộ hết sức quan tâm ở mọi cấp và mọi đơn vị. Đặc biệt, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Bộ (VSTBPN) đã hoạt động rất hiệu quả. Trên cương vị Trưởng ban, Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga đã chỉ đạo và điều hành sát sao công tác nữ và bình đẳng giới của Bộ, đã có nhiều sáng kiến đổi mới nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động. Do vậy, công tác nữ của Bộ ngày càng được thúc đẩy và triển khai đều trên mọi mặt, với nhiều hoạt động sôi nổi, hiệu quả, thực chất và gắn kết với công tác chuyên môn nhiều hơn.

Có thể nói, lực lượng cán bộ nữ hiện nay là lực lượng quan trọng của Bộ Ngoại giao trong các hoạt động chính trị đối ngoại của Bộ.

Để thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Bộ Ngoại giao đã triển khai như thế nào, thưa ông?

Ngày 24/12/2010, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Đây là nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới ở nước ta. Chiến lược cũng là những hoạt động quan trọng để thực hiện Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký tham gia năm 1980 và phê chuẩn năm 1981.

Để góp phần thúc đẩy tích cực, có hiệu quả công tác nữ và bình đẳng giới, Bộ Ngoại giao đã nghiên cứu và áp dụng đúng, đầy đủ các chế độ, chính sách có liên quan để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ nữ, xây dựng các chỉ tiêu/mục tiêu về bình đẳng giới của Bộ và của từng đơn vị, đề ra các chương trình, đề án tổ chức thực hiện; kiến nghị các biện pháp cụ thể thúc đẩy công tác nữ và bình đẳng giới nói chung cũng như trong khuôn khổ Bộ Ngoại giao.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Bộ luôn tạo điều kiện tối đa cho cán bộ nữ được tham dự các lớp đào tạo trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, nghiệp vụ và kỹ năng đối ngoại, quản lý, không hạn chế về tuổi hay thâm niên công tác. Trong trường hợp số học bổng có hạn thì cán bộ nữ luôn được ưu tiên lựa chọn khi đạt cùng tiêu chuẩn với cán bộ nam.

Năm qua, Bộ Ngoại giao đã thực hiện tốt và đạt Chỉ tiêu 1 trong Mục tiêu 4 của Kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao về bình đẳng giới giai đoạn I (2011-2015): Đảm bảo 100% cán bộ lãnh đạo từ cấp phòng trở lên và các thành viên Ban VSTBPN được trang bị kiến thức về giới và kỹ năng lồng ghép giới vào hoạch định và thực thi các quy chế, chính sách đối với cán bộ.

Bộ Ngoại giao luôn đảm bảo yếu tố bình đẳng giới khi xây dựng các văn bản như các quy chế về luân chuyển, phong hàm, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Ban VSTBPN và Ban Nữ công được Bộ tạo điều kiện tham gia các Hội đồng tư vấn quan trọng của Bộ để bảo vệ lợi ích của cán bộ nữ, bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong phong hàm ngoại giao, trong bổ nhiệm cán bộ đi công tác nhiệm kỳ ở cơ quan đại diện ở nước ngoài. Nhờ đó mà đại đa số cán bộ nữ được bố trí sắp xếp công việc phù hợp khả năng chuyên môn và nguyện vọng.

Như vậy công tác nữ và bình đẳng giới luôn được Bộ Ngoại giao lồng ghép trong các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ. Ông có thể nói rõ hơn về công tác đề bạt và bổ nhiệm đối với cán bộ nữ?

Chỉ tính riêng trong năm 2013, Bộ Ngoại giao đã đề bạt 30 cán bộ nữ trên tổng số 111 cán bộ được đề bạt từ cấp Phòng trở lên, chiếm 27%. Trong số đó, có một Vụ trưởng, tám Phó Vụ trưởng, 21 Trưởng/Phó phòng, hai tập sự cấp vụ. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng là 28,37% (59/175 chi ủy viên và đảng ủy viên). Bộ cũng đã cử 1.103 cán bộ đi dự các chương trình/khóa đào tạo dài hạn và ngắn hạn ở trong và ngoài nước, trong đó có 560 cán bộ nữ, chiếm 50,8%.

Đầu năm 2013, Bộ Ngoại giao đã tuyển dụng 37 cán bộ nữ trong tổng số 71 cán bộ, chiếm 52,1%, vượt xa Chỉ tiêu 1 (40%) của Mục tiêu 2 được quy định tại Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Trong đợt luân chuyển 2012-2013, có một cán bộ nữ được bổ nhiệm là Đại sứ, chiếm 4,8% trong tổng số Đại sứ được bổ nhiệm; bảy cán bộ nữ được phong hàm Đại sứ và bốn cán bộ nữ được phong hàm Công sứ.

Nhưng nếu nhìn vào cơ cấu cán bộ nữ tham gia công tác quản lý lãnh đạo hiện nay, có vẻ như con số này vẫn còn rất ít ỏi?

Đúng như vậy. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ nữ là chuyên viên cao cấp, trưởng các cơ quan trong và ngoài nước (Vụ trưởng, Đại sứ, Tổng lãnh sự) còn thấp và độ tuổi khá cao. Do đặc thù công tác luân chuyển trong và ngoài nước nên quá trình phấn đấu của cán bộ nữ thường bị gián đoạn. Điều này tác động không nhỏ tới công tác quy hoạch cán bộ nữ.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ đang rất cố gắng để nâng tỷ lệ này cao hơn, đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu của bình đẳng giới. Bộ cũng rất quan tâm đến việc bố trí công việc phù hợp với khả năng và hoàn cảnh cho cán bộ nữ. Tại các đơn vị, cán bộ nữ luôn được chú ý tạo thuận lợi để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi phân công công việc, Lãnh đạo đơn vị đều chú ý tới hoàn cảnh của cán bộ nữ để có sự thông cảm và giảm khối lượng công việc cho cán bộ nữ.

Vậy những giải pháp thực hiện công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong thời gian tới ở Bộ Ngoại giao là gì, thưa ông?

Bộ Ngoại giao xác định bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của xã hội. Mỗi cơ quan, đơn vị nếu làm tốt công tác bình đẳng giới sẽ thực sự phát huy được sức mạnh tổng hợp trong quá trình xây dựng và phát triển.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác vận động tuyên truyền về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ để nâng cao nhận thức của cán bộ về bình đẳng giới. Tiếp tục đẩy mạnh giám sát, kiểm tra công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới tại các đơn vị trong Bộ, thực hiện nghiêm túc chế độ đánh giá, sơ kết, tổng kết từ cấp đơn vị đến cấp Bộ. Bên cạnh đó, tập trung triển khai Dự án "Nâng cao năng lực Lãnh đạo cho phụ nữ khu vực Nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế", xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo nữ cấp vụ và cấp Bộ.

Đặc biệt, Bộ sẽ tiếp tục áp dụng chính sách cán bộ nữ sau 38 tuổi được ưu tiên đề bạt cấp vụ thường xuyên, không cần qua hai năm tập sự. Ngoài ra, sẽ có các hình thức động viên, biểu dương, khen thưởng riêng đối với các đơn vị và cá nhân tham gia tích cực các hoạt động công tác nữ.

Với quyết tâm của Ban VSTBPN và Ban Nữ công cũng như nhiệt huyết chung của cán bộ nữ trong Bộ, công tác nữ của Bộ sẽ tiếp tục được quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh về công tác nữ, đó là: đưa vấn đề bình đẳng giới vào các chế độ, chính sách và trong triển khai hoạt động đối ngoại của Bộ; đưa công tác nữ trở thành một tiêu chuẩn để chấm điểm thi đua của đơn vị; tiếp tục quy hoạch tại các đơn vị để phấn đấu trong mỗi đơn vị ít nhất có một cán bộ nữ là cấp vụ.

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, qua báo Thế Giới & Việt Nam, thay mặt Ban VSTBPN và "một nửa thế giới", xin chúc toàn thể chị em thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc, luôn phát huy được "sức mạnh mềm" của phụ nữ ngành Ngoại giao, xứng đáng với 10 chữ vàng "Tận tụy, sắc sảo, quyết đoán, nhân hậu, giỏi giang" mà Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã trao tặng.

Xin cảm ơn ông!

Hải Hiền (thực hiện)

Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ khu vực nhà nước

Dự án "Nâng cao năng lực lãnh đạo cho Phụ nữ trong khu vực Nhà nước trong bối cảnh Hội nhập Kinh tế Quốc tế" (Dự án EOWP) do UNDP tài trợ được Bộ Ngoại giao giao Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương chủ trì thực hiện từ năm 2008. Thực hiện trong 5 năm (từ 2008-2012) với tổng vốn 5,05 triệu USD, Dự án có mục tiêu tăng cường năng lực làm việc và lãnh đạo của cán bộ nữ trong khu vực công, đặc biệt trong các lĩnh vực ngoại giao, hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế đã thành công xuất sắc trên nhiều mặt và được các Bộ, ngành đánh giá cao về cách tiếp cận, quy mô, chất lượng và hiệu quả.

Từ năm 2013, Dự án "Phụ nữ trong vai trò lãnh đạo: Nâng cao năng lực cho cho nữ cán bộ lãnh đạo và quản lý phục vụ hội nhập quốc tế" là giai đoạn tiếp theo của Dự án EOWP. Nhằm nâng cao năng lực cho phụ nữ trong giai đoạn hội nhập quốc tế, Dự án có một số điểm mới so với Dự án EOWP như xây dựng các chương trình đào tạo lãnh đạo một cách hệ thống dành cho các lãnh đạo cao cấp ở trung ương và địa phương, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, xây dựng giáo trình về một số vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và đóng góp cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp năm 2016 với việc thúc đẩy đề cử các ứng cử nữ...

Dự án có năm hợp phần chính, đó là Xây dựng các Chương trình đào tạo lãnh đạo một cách hệ thống, Hỗ trợ chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp năm 2016, Hỗ trợ các cơ quan đạt được các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, Tăng cường năng lực và tập huấn và Nghiên cứu, truyền thông và nâng cao nhận thức.