Cổng thông tin điện tử về dịch vụ công của Bộ Ngoại giao. (Ảnh chụp màn hình) |
Theo đó, để đơn giản hóa thủ tục chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự, dự thảo đề xuất về thành phần hồ sơ như sau: Thay thế quy định yêu cầu xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân/nộp bản chụp giấy tờ tùy thân bằng quy định xuất trình bản chính giấy tờ có số định danh cá nhân/nộp bản chụp giấy tờ này đối với công dân Việt Nam có số định danh cá nhân.
Về mẫu Tờ khai: Thay thế các trường thông tin liên quan đến giấy tờ tùy thân bằng các thông tin gắn với số định danh cá nhân đối với công dân Việt Nam có số định danh cá nhân.
Bộ Ngoại giao đề xuất các sửa đổi này nhằm giúp hiện thực hóa phương án đơn giản hóa thủ tục chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự; tương thích với các quy định liên quan hiện hành và đảm bảo mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân trong thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định cho phép chứng nhận chữ ký điện tử/chữ ký số và chữ ký không phải chữ ký trực tiếp trên giấy tờ, tài liệu trong một số trường hợp; nếu đáp ứng các điều kiện đặt ra.
Lý do của đề xuất này nhằm phù hợp với quy định và thực tiễn, xu hướng áp dụng chữ ký điện tử/chữ ký số trên thế giới và Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý cho việc chứng nhận chữ ký điện tử/chữ ký số và khẳng định giá trị pháp lý của “bản chính văn bản giấy” theo quy định hiện hành.
Về điều chỉnh thời hạn giải quyết hồ sơ, dự thảo đưa ra 2 giải pháp kiến nghị:
Giải pháp 1: Giữ nguyên theo quy định hiện hành tại Nghị định 111/2011/NĐ-CP là 1 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ.
Giải pháp 2: Tăng thời hạn giải quyết hồ sơ chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự từ 1 ngày làm việc lên 3 ngày làm việc.
Bộ Ngoại giao đề xuất chọn giải pháp 2 với lý do: Thực tế để giải quyết/xử lý hồ sơ với số lượng lớn và ngày càng tăng (khoảng từ 1.200 - 1.800 văn bản/ngày) đòi hỏi thời gian nhiều hơn so với thời gian quy định tại Nghị định 111/2011/NĐ-CP.
Với sự phát triển và mở cửa, các thành phần giấy tờ được yêu cầu chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hoá lãnh sự ngày càng đa dạng, tình trạng làm giả, sửa chữa văn bản cũng trở nên tinh vi hơn, quy định xử lý hồ sơ trong 1 ngày làm việc đã gây khó khăn cho cơ quan xử lý thủ tục, ảnh hưởng đến chất lượng đối chiếu, kiểm tra giấy tờ, tài liệu, nhất là việc đảm bảo giấy tờ, tài liệu đó không thuộc diện không được chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định, giấy tờ cấp sai thẩm quyền, sai mẫu.
Do vậy, việc tăng thời hạn giải quyết hồ sơ sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn trên thực tế hiện nay tại các cơ quan thực hiện chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự và đảm bảo chất lượng xử lý hồ sơ.