Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu tiếp và làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải làm Trưởng đoàn. |
Tham dự buổi tiếp, làm việc còn có đại diện lãnh đạo các Sở của tỉnh Lai Châu: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại vụ, Văn phòng UBND tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu chè lớn của tỉnh Lai Châu. Về phía Bộ Ngoại giao có đại diện lãnh đạo các Vụ: Trung Đông châu Phi; Đông Nam Á - Nam Á và Nam Thái Bình Dương; Tổng hợp Kinh tế; Cục Ngoại vụ và các Đại sứ vừa được bổ nhiệm năm 2021 khu vực Trung Đông và châu Phi.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải chúc mừng những thành tựu quan trọng mà ngành Ngoại giao đã đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển Tổ quốc thời gian qua; bày tỏ mong muốn Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở khu vực Trung Đông, Trung Quốc hỗ trợ tỉnh trong hoạt động kinh tế đối ngoại, đặc biệt là trong thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, đặc biệt đối với mặt hàng chè, chuối, cao su, hạt mắc ca…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Lai Châu có diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 58% diện tích tự nhiên nên tỉnh có lợi thế phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp như lúa chất lượng cao, chè, mắc ca, cây ăn quả ôn đới, nhiệt đới, cây dược liệu, rau củ quả, hoa...
Trong những năm qua, Lai Châu đã tập trung chỉ đạo phát triển và hình thành một số vùng sản xuất tập trung các sản phẩm như chè, mắc ca, cao su, thảo quả, chuối..., bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế góp phần giảm nghèo cho người dân.
Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có tổng diện tích chè 8.620 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh 5.970 ha; tập trung tại các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ và thành phố Lai Châu.
Sản lượng chè búp tươi đạt trên 40.000 tấn/năm. Cơ cấu giống trồng chủ yếu là giống chè Shan, Kim Tuyên, PH8. Hiện có 74 cơ sở chế biến, trong đó có 13 doanh nghiệp, hợp tác xà có quy mô chế biến từ 15 tấn chè búp tươi/ngày trở lên, sản lượng chè khô chế biến năm 2020 đạt 8.837 tấn và dự kiến năm 2021 khoảng gần 10 nghìn tấn.
Trong thời gian qua, các cơ sở chế biến chè đã đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị, tạo ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường xuất khẩu như Afghanistan, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc và một số sản phẩm chế biến sâu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu ở phân khúc thị trường cao cấp như Đức, Hà Lan.
Các sản phẩm chế biến sâu như chè Mattcha, Kim Tuyên, Sencha, Olong Xanh, Olong Hồng trà, Đông phương mỹ nhân… của Công ty CP Đầu tư và Phát triển chè Tam Đường và Công ty CP Trà Than Uyên được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu ủy thác sang thị trường Đức, Hà Lan. Tuy vậy, với năng lực sản xuất hiện nay, lượng xuất khẩu chè của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đối với mặt hàng quả chuối, Lai Châu có diện tích chuối trên 4.100 ha, sản lượng bình quân đạt trên 45.000 tấn/năm nhưng chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) - I Kim Thủy Hà (Trung Quốc).
Thông qua buổi làm việc này, Lai Châu mong muốn Bộ Ngoại giao và các đơn vị chức năng của Bộ hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng trên.
Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh biên giới miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu bày tỏ mong muốn Lai Châu triển khai thành công các hoạt động đối ngoại của địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thực hiện nhiệm vụ ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là hỗ trợ các địa phương hội nhập, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, Bộ Ngoại giao nói chung và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng sẽ phối hợp với tỉnh trong đẩy mạnh xuất khẩu nông sản... để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Lai Châu.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đề nghị các đơn chức năng và doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh, trong đó đầu mối là Sở Ngoại vụ, phối hợp với các đơn vị đầu mối của Bộ Ngoại giao là Vụ Trung Đông - châu Phi, Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, Cục Ngoại vụ và Vụ Tổng hợp Kinh tế trao đổi cụ thể các dự án, đề xuất phương hướng hợp tác với các đối tác… mà tỉnh cần thúc đẩy tại các địa bàn Trung Đông, châu Phi, Trung Quốc và cả khu vực châu Âu, Mỹ.
Trước mắt, đối với các mặt hàng thế mạnh của tỉnh như chè, chuối, cao su…, các đơn vị liên quan hai bên sẽ cùng trao đổi, tìm phương hướng để tháo gỡ khó khăn về thị trường, đối tác…, nhanh chóng tìm đầu ra cho các sản phẩm này.
Cũng tại buổi làm việc, các Đại sứ, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao, đại diện các sở, ngành của tỉnh Lai Châu và đại diện các doanh nghiệp chè xuất khẩu lớn của tỉnh đã trao đổi cụ thể về kinh nghiệm, biện pháp tiếp cận, phương hướng hợp tác với các đối tác trong thời gian tới.
| Khám phá mùa lúa chín vàng óng và phiên chợ Sừng ở vùng biên giới Sì Lở Lầu Đến Sì Lở Lầu những ngày này, du khách có thể được chiêm ngưỡng bức tranh mùa vàng tuyệt đẹp và khám phá phiên chợ ... |
| Bộ Ngoại giao hỗ trợ tỉnh Lai Châu tích cực triển khai hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế xã hội Sáng 29/4, tại Trụ sở Bộ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp và làm việc với lãnh ... |