📞

Bộ Ngoại giao phối hợp với Phú Thọ triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển

Anh Sơn 17:40 | 29/09/2023
Chiều ngày 29/9, tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Ngoại giao làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại địa phương.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ Ngoại giao và tỉnh Phú Thọ triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tham dự tiếp đoàn, về phía tỉnh Phú Thọ có: đồng chí Bùi Minh Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ; đồng chí Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Thường vụ, UBND tỉnh và lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của tỉnh Phú Thọ.

Về phía Bộ Ngoại giao có: Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Vụ trưởng Vụ Trung Đông châu Phi Bùi Hà Nam; Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu và đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan.

Phú Thọ mong muốn đẩy mạnh công tác đối ngoại phục vụ phát triển

Tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, Phú Thọ ở vị trí trung tâm của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có các điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế dịch vụ và hợp tác, liên kết, giao thương với các vùng trong nước và quốc tế.

Là vùng Đất Tổ - cội nguồn của dân tộc Việt Nam, Phú Thọ có lịch sử, văn hóa gắn liền với suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữa nước của dân tộc, trên địa bản tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Đồng chí Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hiện tỉnh có 1.372 di tích, với 308 di tích được xếp hạng và có 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thời cúng Hùng Vương tại Phú Thọ.

Kể từ khi tái lập tỉnh ngày 1/1/1997 đến nay, Phú Thọ có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân giai đoạn 1997-2023 đạt khoảng 8%/năm; quy mô kinh tế đến năm 2023 đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người năm 2003 đạt 65,4 triệu đồng, gấp 21 lần so năm 1997.

Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân của Phú Thọ ước đạt 7,29%/năm; trong đó, lĩnh vực công nghiệp phát triển nhanh, bình quân trên 11%/năm; quy mô kinh tế ngày càng được mở rộng.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, năm 2023, GRDP của tỉnh ước đạt trên 100 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh, duy trì trong nhóm các địa phương có giá trị xuất khẩu cao, đạt trên 12,1 tỷ USD năm 2022 (gấp 2,6 lần so với năm 2020).

Trong thời gian tới, Phú Thọ xác định sẽ khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng; phấn đấu đến năm 2030 Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ.

Theo đó, Phú Thọ hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ và từng bước hình thành các trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc.

Phú Thọ cũng sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với sử dụng bền vững tài nguyên, hệ sinh thái.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Phú Thọ xác định công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ với hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Với các định hướng phát triển trên, trong phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Phú trong huy động các nguồn lực về đầu tư phát triển cho tỉnh.

Đồng chí Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Phú trong huy động các nguồn lực về đầu tư phát triển cho tỉnh. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tỉnh mong muốn Bộ mời gọi các đối tác, các doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu và đầu tư tại Phú Thọ trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; xem xét tổ chức một số hoạt động ngoại giao kinh tế tại tỉnh để thúc đẩy kết nối, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư vào tỉnh.

Với vị trí địa lý thuận lợi, Phú Thọ hội tụ các điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế và hợp tác, liên kết, giao thương với các vùng trong nước và quốc tế. Tỉnh mong muốn Bộ và các cơ quan đại diện ngoại giao quan tâm giới thiệu, kết nối các nhà đầu tư nước ngoài có uy tín, năng lực để mời gọi đầu tư, xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm logistics của khu vực.

Tiếp tục phát huy giá trị 2 di sản văn hóa phi vật thế thế giới được UNESSCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ"; đồng thời khai thác hiệu quả, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh... Phú Thọ đề nghị Bộ quan tâm, phối hợp tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế tại tỉnh, giúp tỉnh thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa, thể thao, du lịch.

Tỉnh cũng mong muốn Bộ hỗ trợ thông tin về tình hình người Phú Thọ ở nước ngoài để kết nối, trao đổi, thông tin, vận động tập hợp đoàn kết hướng về quê hương đất Tổ, đầu tư sản xuất, kinh doanh; quan tâm giới thiệu những tổ chức, cá nhân nước ngoài và phi chính phủ nước ngoài uy tín đăng ký hoạt động tại tỉnh...

Bộ Ngoại giao tiếp tục đồng hành cùng Phú Thọ

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo một số đơn vị của Bộ Ngoại giao đã phát biểu trao đổi các biện pháp nhằm phối hợp với các tỉnh, các đơn vị trong tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp về thúc đẩy hợp tác quốc tế, tìm kiếm đối tác… qua đó hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chúc mừng các thành tựu kinh tế - xã hội mà Phú Thọ đã đạt được, trong đó có sự phát triển vững chắc về kinh tế; công tác đối ngoại được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với Phú Thọ triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển. (Ảnh: Tuấn Anh)

Chia sẻ về công tác đối ngoại đất nước thời gian vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thế giới đã và đang trải qua những biến động lớn, trong đó có những biến động chưa có tiền lệ: cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột Nga-Ukraine; môi trường kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nhất là sau đại dịch Covid-2019, gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất…

Các thách thức an ninh phi truyền thống cũng diễn biến phức tạp, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu: động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ lụt ở nhiều nơi, an ninh mạng mất an toàn…

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, bám sát Nghị quyết và đường lối đối ngoại Đại hội XIII, công tác đối ngoại đã đạt kết quả quan trọng và toàn diện trên các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Bộ trưởng khẳng định, kết quả bao trùm là đã củng cố vững chắc hơn môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; huy động được nhiều nguồn lực bên ngoài phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Công tác ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp và quan trọng vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Ngoại giao kinh tế đã nắm bắt cơ hội các nước mở cửa trở lại, xu hướng chuyển dịch đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các hiệp định thương mại tự do đã ký để mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch, nối lại xuất khẩu lao động...

Hai bên sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể thiết thực, đáp ứng mong muốn của cả hai bên, mở ra thời kỳ hợp tác mới giữa Bộ Ngoại giao và Phú Thọ. (Ảnh: Tuấn Anh)

Công tác biên giới lãnh thổ tiếp tục góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tạo thuận lợi cho giao lưu và phát triển kinh tế-xã hội.

Các mặt công tác khác như: thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân… tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ, bảo đảm lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới.

Việt Nam tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với một số đối tác, trong đó Hàn Quốc, Hoa Kỳ…

Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng đã thông tin về lịch sử quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, về tác động sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam vừa qua.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đường lối đối ngoại theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của công tác đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Đặc biệt, ngành Ngoại giao tiên phong huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước, trong đó có tiên phong mở đường, đồng hành, phục vụ lợi ích của người dân, địa phương và doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.

Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, công tác đối ngoại địa phương cần lấy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là nhiệm vụ trung tâm. Tinh thần này được áp dụng chung, thống nhất từ trung ương đến các địa phương… Các địa phương cần có sự chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến các sở, ban, ngành trong tổ chức thực hiện.

Đồng tình với các định hướng phát triển của tỉnh, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, thông qua buổi làm việc này, Bộ Ngoại giao hiểu rõ được hơn tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu phát triển của tỉnh, sẽ thu hút các nguồn lực về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Trong đó, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ cung cấp thông tin, hàng tháng cung cấp bản tin về tình hình kinh tế thế giới, thông tin về các địa bàn cụ thể… Bộ trưởng đề nghị tỉnh đặt bài cụ thể để Bộ cung cấp thông tin. Mặt khác, thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ cũng sẽ thẩm định, xác minh các đối tác cụ thể theo yêu cầu của tỉnh.

Đồng chí Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sau buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ trưởng cũng đề nghị hai bên phối hợp xúc tiến công tác đầu tư, du lịch thông qua các chuyến công tác đoàn cấp cao ra nước ngoài; hỗ trợ xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thông qua các diễn đàn giới thiệu địa phương với các cơ quan đại diện, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; kết nối mời các doanh nghiệp nước ngoài, kết hợp mời các Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện đến thăm tỉnh…

Với các lĩnh vực, đối tác cụ thể, Bộ trưởng đề nghị khoanh vùng tại khu vực Đông Nam Á, có thể mở rộng sang khu vực Australia, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để hỗ trợ tỉnh trong phát triển lĩnh vực bán dẫn, đào tạo lao động, tranh thủ các quỹ về chuyển đổi xanh… Bộ cũng sẽ phối hợp nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác đối ngoại của tỉnh.

Về công tác ngoại giao văn hóa, người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng cảm ơn tỉnh đã hỗ trợ Bộ trong các hoạt động này, đồng thời đề nghị các đơn vị trong Bộ phối hợp hỗ trợ tỉnh trong thu hút nguồn lực kiều bào về phát triển cho tỉnh cũng như các đề xuất của tỉnh đã nêu.

Về công tác thông tin tuyên truyền, Bộ trưởng đề nghị các sở, ngành của tỉnh thúc đẩy hợp tác với Vụ Thông tin Báo chí để đưa báo chí nước ngoài thông tin quảng bá cho tỉnh; tăng cường hợp tác với Báo Thế giới và Việt Nam trong công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá tiềm năng thế mạnh của tỉnh đến với các đối tác.

Trên cơ sở của buổi làm việc đầu tiên này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu nhất trí trong thời gian tới hai bên sẽ xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể thiết thực, đáp ứng mong muốn của cả hai bên, mở ra thời kỳ hợp tác mới giữa Bộ Ngoại giao và Phú Thọ.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tặng quà lưu niệm cho đồng chí Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy sau buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh)