Theo Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt, Việt Nam sẽ nghiên cứu các thông tin về quy chế của BRICS. (Nguồn: Getty) |
Theo Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt, là một thành viên tích cực có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã, đang và sẽ tích cực đóng góp có trách nhiệm qua các cơ chế diễn đàn đa phương, đóng góp vào hòa bình ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới, phù hợp với nhu cầu và lợi ích của Việt Nam.
"Việt Nam sẽ nghiên cứu các thông tin về quy chế của BRICS. Và việc Việt Nam tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương, khu vực và quốc tế luôn được nghiên cứu, xem xét trên cơ sở phù hợp với lợi ích, điều kiện và khả năng của Việt Nam.
Đồng thời, việc này cũng thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế", ông Đoàn Khắc Việt khẳng định.
BRICS được thành lập năm 2006, ban đầu gồm 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và kết nạp thêm Nam Phi năm 2010.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 tổ chức tại Nam Phi năm 2023, BRICS công bố kết nạp 6 thành viên mới gồm Argentina, Saudi Arabia, Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE. Đến nay, Argentina tuyên bố sẽ không gia nhập BRICS và Saudi Arabia vẫn đang cân nhắc về việc tham gia nhóm.
Hợp tác của BRICS dựa trên 3 trụ cột, gồm hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính, văn hóa và giao lưu nhân dân.
Trong khuôn khổ BRICS, có một số cơ chế tham gia dành cho các nước không phải thành viên BRICS: Tham gia Ngân hàng NDB; Tham gia các diễn đàn/đối thoại trong khuôn khổ BRICS mở rộng với tư các nước khách mời như Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS mở rộng và một số hội nghị, đối thoại về các lĩnh vực cụ thể (an ninh, phát triển đô thị,…).