Nhỏ Bình thường Lớn

Bộ Ngoại giao tích cực triển khai Nghị định 58

Ngày 11/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 58/2013/NĐ-CP quy định "chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao" thay thế Nghị định 15/2008/NĐ-CP. Báo Thế giới & Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ về những điểm mới trong Nghị định này.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ. (Ảnh: Đức Khải/TG&VN)

Xin ông giới thiệu vài nét về Nghị định 58/2013/NĐ-CP và sự cần thiết của việc ban hành Nghị định này?

Nghị định 58/2013/NĐ-CP có 5 Điều. Điều 1, quy định về vị trí, chức năng của Bộ Ngoại giao, nêu rõ Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, bao gồm công tác ngoại giao, công tác biên giới lãnh thổ quốc gia, công tác cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), quản lý các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (CQĐDVNONN) và hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam.

Điều 2 gồm 28 khoản, quy định chi tiết các nhiệm vụ của BNG nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, về công tác Ngoại giao chính trị, Ngoại giao kinh tế, Ngoại giao văn hóa, về công tác lễ tân, lãnh sự, thông tin - tuyên truyền đối ngoại, công tác biên giới lãnh thổ quốc gia, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, v.v...

Điều 3 quy định về cơ cấu tổ chức của BNG, trong đó nêu rõ 31 đơn vị trực thuộc BNG, các CQĐDVNONN do BNG trực tiếp quản lý, các đơn vị cấp tổng cục và các vụ được phép thành lập phòng.

Điều 4 và điều 5 quy định về hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành. Theo đó, Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 2/8/2013.

Qua gần 5 năm thực hiện, Nghị định 15/2008/NĐ-CP được đánh giá là hợp lý, thể hiện được tinh thần cải cách theo hướng tinh giản, hiệu quả. Tuy nhiên, với chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế của Đại hội Đảng lần thứ XI, cũng như để đáp ứng yêu cầu thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại, trong đó Bộ Ngoại giao được giao thêm một số nhiệm vụ mới, đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng một Nghị định mới thay thế Nghị định 15 để hoàn thiện, bổ sung những nội dung mới về chức năng, nhiệm vụ cũng như cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.

Ngoài ra, Nghị định 58 còn được xây dựng trên tinh thần của Nghị định 36/2012/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 18/4/2012, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ.

Nghị định 58/2013/NĐ-CP có những điểm gì mới so với Nghị định 15/2008/NĐ-CP, thưa ông?

Về chức năng và nhiệm vụ, Nghị định 58 cơ bản kế thừa đầy đủ các nội dung đã quy định trong Nghị định 15 trước đây. Tuy nhiên, Nghị định cũng bổ sung thêm một số nội dung mới là: nhiệm vụ quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại của các địa phương; quản lý thống nhất các hoạt động hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam. Đây là những nhiệm vụ được giao cho Bộ Ngoại giao nhưng chưa được ghi trong Nghị định 15.

Ngoài ra, Nghị định 58 cũng cụ thể hóa nội hàm của công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác thông tin đối ngoại, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, công tác biên giới lãnh thổ, v.v...

Về cơ cấu tổ chức, so với Nghị định 15, trong Nghị định 58 , Bộ Ngoại giao được thành lập thêm 2 đơn vị mới là Cục Ngoại vụ và Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao.

Hiện nay, chúng ta đã có 43 tỉnh, thành có Sở Ngoại vụ. Vì vậy, công tác quản lý, phối hợp với các Sở Ngoại vụ ngày càng có vị trí quan trọng. Cục Ngoại vụ ra đời sẽ đáp ứng được được yêu cầu mới đó. Ngoài ra, Cục Ngoại vụ còn có nhiệm vụ quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cấp phép cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.

Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao được thành lập trên cơ sở sáp nhập và nâng cấp Phòng Thi đua - Khen thưởng thuộc Văn phòng Bộ với Ban lịch sử truyền thống Ngoại giao, đảm nhiệm công tác thi đua, khen thưởng cũng như công tác nghiên cứu về truyền thống ngoại giao.

Thêm một điểm mới đáng lưu ý là trong Nghị định 15 trước đây, một số đơn vị đã được tổ chức cấp phòng (Vụ Châu Âu, Vụ Luật pháp Quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ) thì Nghị định 58 đã mở rộng số lượng các đơn vị được tổ chức cấp phòng, cụ thể là 4 vụ khu vực: Vụ Đông Bắc Á, Vụ Đông Nam Á- Nam Á- Nam Thái Bình Dương, Vụ Châu Mỹ và Vụ Tây Á - Châu Phi.

Ngoài ra, theo Nghị định 36, các đơn vị cấp Cục trực thuộc Bộ sẽ chỉ có một loại. Do vậy, sẽ không còn sự phân biệt thứ hạng giữa các đơn vị cấp Cục như Cục Lễ tân Nhà nước, Cục Quản trị Tài vụ, Cục Lãnh sự… như trước đây.

Xin ông cho biết đánh giá của ông về những điểm mới trong Nghị định và những bước triển khai sắp tới của Bộ Ngoại giao nhằm cụ thể hóa các quy định của Nghị định 58?

Những nội dung mới trong Nghị định 58 sẽ góp phần giúp Bộ Ngoại giao thực hiện hiệu quả hơn chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại của mình. Với việc thành lập 2 đơn vị mới gồm Cục Ngoại vụ và Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng của hai mảng công tác này, đặc biệt là công tác ngoại vụ địa phương trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập toàn diện với quốc tế.

Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao ra đời sẽ góp phần làm cho công tác thi đua khen thưởng của Bộ Ngoại giao được thực hiện bài bản hơn. Công tác nghiên cứu, lưu giữ lịch sử, truyền thống của Ngành, công tác tổng kết, đúc rút các bài học kinh nghiệm ngoại giao trong quá khứ... sẽ được quan tâm và đẩy mạnh hơn.

Trong thời gian tới, sau khi Nghị định có hiệu lực, Bộ Ngoại giao sẽ có những bước triển khai nhằm cụ thể hóa những quy định trong Nghị định. Trước mắt, Bộ trưởng Ngoại giao sẽ ban hành các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 2 đơn vị mới thành lập là Cục Ngoại vụ và Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống Ngoại giao. Đồng thời, Bộ sẽ kiện toàn về tổ chức, nhân sự cho 2 đơn vị này. Bên cạnh đó, sẽ sửa đổi, ban hành các quyết định của Bộ trưởng Ngoại giao về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trong Bộ nhằm cụ thể hóa chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị, bảo đảm các nhiệm vụ được phân công, phân nhiệm rõ ràng, không chồng chéo.

Ngoài ra, với các đơn vị cấp tổng cục như Ủy ban biên giới quốc gia, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao sẽ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị này.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Kim Giang (thực hiện)

Theo "Điều 3. Cơ cấu tổ chức" của Nghị định 58, Bộ Ngoại giao có các đơn vị sau:

1. Vụ ASEAN. 2. Vụ Châu Âu. 3. Vụ Châu Mỹ. 4. Vụ Đông Bắc Á. 5. Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương. 6. Vụ Tây Á - Châu Phi. 7. Vụ Chính sách đối ngoại. 8. Vụ các Tổ chức quốc tế. 9. Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế.10. Vụ Hợp tác kinh tế đa phương.11. Vụ Tổng hợp kinh tế.12. Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO.13. Vụ Thông tin báo chí.14. Vụ Thi đua - khen thưởng và Truyền thống ngoại giao. 15. Vụ Tổ chức Cán bộ. 16. Văn phòng Bộ. 17. Thanh tra Bộ. 18. Cục Cơ yếu. 19. Cục Ngoại vụ. 20. Cục Lãnh sự. 21. Cục Lễ tân Nhà nước. 22. Cục Quản trị tài vụ. 23. Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh. 24. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. 25. Ủy ban Biên giới quốc gia. 26. Học viện Ngoại giao. 27. Cục Phục vụ ngoại giao đoàn. 28. Báo Thế Giới & Việt Nam. 29. Trung tâm Hướng dẫn báo chí nước ngoài. 30. Trung tâm Biên phiên dịch quốc gia. 31. Trung tâm Thông tin. 32. Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. (Hiện có 98 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài)