Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp và làm việc với đoàn công tác tỉnh Quảng Ngãi do Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân dẫn đầu. |
Về phía tỉnh Quảng Ngãi còn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Huy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND; lãnh đạo các Sở, ngành, Ban quản lý Khu công nghiệp của tỉnh.
Về phía Bộ Ngoại giao có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ; Vụ trưởng Vụ châu Mỹ Lê Chí Dũng; Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu và thủ trưởng các đơn vị có liên quan: Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO; Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Cục Lãnh sự; Vụ Chính sách Đối ngoại; Vụ Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương; Vụ châu Âu; Báo Thế giới và Việt Nam…
Quảng Ngãi xác định 2 trọng tâm phát triển
Tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực biến động phức tạp, chưa phục hồi, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện Quảng Ngãi đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh có Khu Kinh tế Dung Quất - một trong khu kinh tế thành công trên toàn quốc, có KCN VSIP - hình mẫu trong các khu công nghiệp.
Theo đó, tỉnh xác định hai trọng tâm phát triển: "Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất" và "Trung tâm du lịch biển - đảo tại Lý Sơn”.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, Quảng Ngãi xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; là tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép.
Hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân chia sẻ, Quảng Ngãi mong muốn thu hút các nguồn lực từ bên ngoài về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà. |
Khẳng định, Quảng Ngãi có chính quyền quyết liệt, quyết tâm phát triển nhưng cũng rất thân thiện, sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân chia sẻ, Quảng Ngãi mong muốn thu hút các nguồn lực từ bên ngoài về phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Bộ trưởng và các đơn vị trực thuộc Bộ và các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã hỗ trợ tỉnh thực hiện chương trình công tác đối ngoại hàng năm, nhất là công tác bảo hộ ngư dân tàu thuyền, công tác kết nối tổ chức đoàn ra, chương trình làm việc ở nước ngoài.
Đáng chú ý có chuyến công tác và kí kết Bản ghi nhớ hợp tác về hợp tác nhân sự với tỉnh Oita, Nhật Bản; chuyến công tác và tổ chức Hội nghị Hợp tác và đầu tư và KKT Dung Quất tại Houston, bang Texas, Hoa Kỳ trong năm 2023.
Trong thời gian tới, Quảng Ngãi mong muốn Bộ Ngoại giao tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương trong hoạt động đoàn vào, đoàn ra; tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh tổ chức các Đoàn ra và hỗ trợ tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở các nước đến.
Bộ cũng tạo điều kiện để tỉnh có điều kiện tiếp xúc, thiết lập quan hệ với các tập đoàn kinh tế lớn; thuận lợi trong công tác xây dựng và triển khai đề án phát triển Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất.
Đặc biệt, Quảng Ngãi mong muốn Bộ hỗ trợ tỉnh mở rộng hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực phát triển kinh tế biển, kinh tế hàng hải, logistics, cảng biển; thu hút đầu tư và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến, hiện đại để phát triển công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế biển, kinh tế hàng hải, logistics, cảng biển; tăng cường hợp tác quốc tế về đánh bắt, khai thác hải sản hợp pháp với một số nước trong khu vực.
Bộ cũng giúp địa phương vận động, tranh thủ các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Sa Huỳnh, hướng đến lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh phát biểu tại buổi làm việc. |
Ngoài ra, các cơ quan trong Bộ tiếp tục hỗ trợ tỉnh tiếp cận và thu hút nguồn viện trợ ODA, NGO; hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh; giúp mở rộng thị trường sang Hoa Kỳ, Australia, khu vực châu Á, châu Âu,..; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các sản phẩm chủ lực như: nông sản (tinh bột mỳ, đường), thực phẩm (bánh kẹo, nước khoáng, sữa), đồ gỗ, thủy sản, sản phẩm lọc hóa dầu, thép, thiết bị công nghiệp nặng như cần cẩu, container,...
Bộ quan tâm hỗ trợ công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác biển - đảo, lãnh sự, bảo hộ công dân, ngư dân tàu thuyền; hỗ trợ tỉnh thiết lập quan hệ hợp trác với các địa phương nước ngoài, trước mắt là Jeju (Hàn Quốc), Oita (Nhật Bản); đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập quốc tế…
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân tin tưởng với sự quan tâm của Bộ trưởng và Bộ Ngoại giao, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thu hút được nhiều hơn nữa các nguồn lực từ bên ngoài về phục vụ phát triển.
Bộ Ngoại giao tiếp tục đồng hành cùng Quảng Ngãi
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Ngoại giao cũng đã trao đổi, cung cấp thông tin hỗ trợ Quảng Ngãi trong thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế với các nước Hoa Kỳ, châu Âu... xuất nhập khẩu hàng qua khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Lào, Singapore; khu vực Đông Bắc Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… và Ấn Độ.
Các đại biểu khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh đi thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư - thương mại tại các địa bàn; hỗ trợ xác minh thông tin liên quan đến hoạt động kinh tế nước ngoài cũng như hỗ trợ tỉnh trong xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư…
Lãnh đạo các đơn vị của Bộ Ngoại giao thông tin tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chúc mừng những thành tựu kinh tế xã hội mà Quảng Ngãi đã đạt được trong thời gian qua.
Chia sẻ về công tác đối ngoại của đất nước thời gian qua, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đường lối đối ngoại theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong trong tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Đặc biệt, ngành Ngoại giao tiên phong huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước, trong đó có tiên phong mở đường, đồng hành, phục vụ lợi ích của người dân, địa phương và doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong công tác đối ngoại hiện nay, vai trò đối ngoại của địa phương là rất quan trọng. Đánh giá cao công tác đối ngoại của tỉnh, đặc biệt là công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển… Bộ trưởng cho rằng, tại buổi làm việc này, hai bên trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp, hợp tác trong thúc đẩy phát triển ngoại giao kinh tế, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài về cho Quảng Ngãi.
Đồng tình với các kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ Quảng Ngãi trong giới thiệu tiềm năng thế mạnh cần tập trung nêu với các đối tác quốc tế; cung cấp thông tin về các đối tác cho tỉnh. Từ góc độ địa phương, Quảng Ngãi đặt hàng cụ thể để Bộ cung cấp thông tin, trong đó có việc xác minh thông tin về các đối tác để tránh rủi ro trong thương mại…
Cục trưởng Cục Ngoại vụ Nguyễn Như Hiếu phát biểu tại buổi làm việc. |
Bộ cũng sẵn sàng đồng hành với tỉnh trong các kế hoạch công tác ra nước ngoài hàng năm, hỗ trợ cung cấp thông tin các đối tác, hỗ trợ xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Lãnh đạo tỉnh với các đối tác…
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong thúc đẩy quan hệ với các đối tác truyền thống: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... Đặc biệt, Bộ trưởng mong muốn địa phương tăng cường tính chủ động trong thúc đẩy hợp tác kết nghĩa với các địa phương bạn, tỉnh có thể tính đến mở rộng sang các đối tác ở châu Âu, Hoa Kỳ, khu vực Trung Đông… nhằm thu hút các nguồn lực phát triển chuyển xanh, số.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh cung cấp các thông tin qua video clip, các website quảng bá của Quảng Ngãi để các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kết nối với các đối tác. Bộ tiếp tục hỗ trợ trong công tác quảng bá, giới thiệu địa phương với các đối tác quốc tế; tăng cường kết nối qua các hình thức festival, thông tin đối ngoại trên các phương tiện thông tin nước ngoài… trên cơ sở chọn lọc cụ thể theo yêu cầu của tỉnh; hỗ trợ trong thu hút người Quảng Ngãi ở nước ngoài về đầu tư tại địa bàn tỉnh.
Bộ cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức ngoại giao kinh tế, đối ngoại… Trong công tác bảo hộ công dân, ngư dân tàu thuyền, Bộ trưởng mong muốn địa phương tiếp tục quản lý chặt chẽ các ngư dân trong quá trình khai thác hàng hóa hải sản.
Bộ trưởng giao Cục Ngoại vụ tiếp tục phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy trong xây dựng kế hoạch phối hợp hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Về chương trình Gặp gỡ Quảng Ngãi dự kiến sẽ diễn ra vào trong ngày mai 25/10 tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao, số 2 Lê Quang Đạo, Hà Nội, Bộ trưởng nhấn mạnh, hai bên cũng đã trao đổi và hỗ trợ rất cụ thể. Về cơ bản, công tác chuẩn bị cho Hội nghị đã sẵn sàng, trong đó có công tác mời các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc dự Hội nghị.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |