📞

Bộ Tài chính phản hồi về chính sách thuế đối với công nghiệp hỗ trợ

16:00 | 04/05/2020
TGVN. Bộ Tài chính đề nghị không nêu cụ thể việc sửa đổi Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập cá nhân trong dự thảo Nghị quyết giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.
Bộ Tài chính cũng không ủng hộ có giải pháp ưu tiên các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ, tạo nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. (Nguồn: Tapchicongthuong)

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 4419/BTC-CST tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam của Bộ Công Thương; trong đó, Bộ Tài chính đã phản hồi một số đề xuất về chính sách thuế và tín dụng đầu tư.

Đây là lần thứ ba Bộ Tài chính tham gia vào dự thảo này.

Tại dự thảo này, Bộ Công Thương đưa ra những đề xuất, trình cấp thẩm quyền sửa đổi các Luật thuế nhằm hoàn thiện và đơn giản hóa các chính sách, thủ tục về thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp cũng như công nghiệp hỗ trợ.

Thực tế, thời gian qua, Bộ Chính trị, Quốc hội đều đã có Nghị quyết, trong đó chỉ đạo mở rộng cơ sở thuế, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế.

Triển khai các chỉ đạo này, Bộ Tài chính cũng đã có phương án.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương không nêu cụ thể việc sửa đổi Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập cá nhân trong dự thảo này mà chỉ nêu nguyên tắc chung là nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các Luật thuế nhằm khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Theo Bộ Tài chính, thuế suất ưu đãi đặc biệt của các dòng hàng động cơ và hộp số ô tô tại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là 0% vào năm 2019, trong Hiệp định ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) không được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Còn tại Hiệp định Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA), mức thuế suất ưu đãi lần lượt là 0%; 4,2%; 13,3%; 18%; 20% tại năm 2019. Các mức ưu đãi hiện nay bằng hoặc thấp hơn so với thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) năm 2018.

Như vậy, nếu điều chỉnh thuế suất trong AKFTA và VKFTA đang ở mức bằng hoặc thấp hơn MFN 7-25% về mức tương đương với cam kết ATIGA (0%) sẽ đẩy nhanh cam kết trong 2 hiệp định nói trên, đồng thời có thể gây ra chuyển hướng thương mại tới các nước được hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định.

Bộ Tài chính cũng dẫn chứng thêm năm 2019, kim ngạch nhập khẩu động cơ, hộp số ô tô chủ yếu đến từ Hàn Quốc (33,7%), Trung Quốc (gần 20%), ASEAN và Nhật Bản (trên 18%).

Nếu doanh nghiệp muốn được hưởng thuế suất thấp có thể lựa chọn nhập khẩu từ các nước ASEAN, Nhật Bản...

Trong bối cảnh nhập khẩu động cơ, hộp số từ Hàn Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn, Bộ Tài chính cho rằng nếu đẩy nhanh cam kết trong AKFTA, VKFTA có thể khiến tỷ trọng này tăng lên, tăng rủi ro khi phụ thuộc vào một thị trường cũng như không đa dạng hoá nguồn cung khác nhau cho doanh nghiệp và giảm thu từ thuế nhập khẩu.

Mặt khác, ngành sản xuất lắp ráp ô tô thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, được miễn thuế nhập khẩu 5 năm từ ngày dự án bắt đầu sản xuất với nguyên, vật liệu, linh kiện trong nước chưa sản xuất được.

Theo Bộ Tài chính, các quy định về thuế đã khuyến khích sản xuất, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; trong đó có ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, vì thế, đề nghị Bộ Công Thương bỏ quy định này ra khỏi dự thảo Nghị quyết.

Bộ Tài chính cũng muốn bỏ khỏi dự thảo Nghị quyết quy định về ưu đãi tín dụng riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Thay vào đó sửa thành "việc vay vốn đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ thực hiện theo quy định hiện hành."

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng không ủng hộ có giải pháp ưu tiên các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ, tạo nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

(theo Vietnamplus)