Chiều 25/5, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề thông tin về các vấn đề xung quanh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước.
Còn tình trạng lãng phí, thất thoát ngân sách
Theo Bộ Tài chính, tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, năm 2017 cả nước đã tiết kiệm được 51.401 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm kinh phí, vốn của nhà nước 47.945 tỷ đồng; tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp Nhà nước 3.456 tỷ đồng).
ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) thông tin tại họp báo. (Ảnh: T.A) |
Tuy nhiên, tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách vẫn còn là vấn đề xã hội bức xúc. Ngoài nguyên nhân do hệ thống chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn bất cập thì còn do vấn đề nhận thức, chưa có tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc tiết kiệm kinh phí ngân sách Nhà nước, tài sản công.
Về giải pháp ngăn chặn lãng phí trong chi ngân sách Nhà nước, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, vừa qua Quốc hội đã ban hành Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và đơn vị trong quản lý ngân sách. Về cơ bản, tình hình đã có những chuyển biến tích cực, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả tích cực.
Trước hết, về mặt pháp luật ngày càng được hoàn thiện hơn, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết, cho ý kiến đối với 9 dự án khác; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành 1.105 văn bản quy phạm pháp luật; chính quyền địa phương đã ban hành 4.111 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh.
Trao đổi về một trong những vấn đề đang gây quan ngại là tình trạng chuyển nguồn tiền sang năm sau, trong đó mỗi năm Việt Nam phải đi vay vài trăm nghìn tỷ đồng, ông Hưng khẳng định việc chuyển nguồn là vấn đề không hay trong điều hành ngân sách.
“Nó khiến ngân sách bị méo mó, không sát với dự kiến ban đầu. Như quyết toán năm 2016, có khoảng 200.000 tỷ đồng được chuyển nguồn sang năm 2017, trong đó khoảng hơn 80.000 tỷ đồng là do tăng thu”, ông Hưng thông tin.
Cần chế tài mạnh xử lý vi phạm đầu tư công
Trả lời báo chí về hiện tượng có một số dự án lúc đầu được phê duyệt mức thấp, sau điều chỉnh tăng thêm vốn, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) thừa nhận thực tế có hiện tượng này, tuy nhiên cần phân tích theo từng dự án cụ thể. Nếu việc điều chỉnh theo đúng pháp luật đầu tư công thì được cho phép, còn nguyên nhân mang tính chất chủ quan, thì thuộc về trách nhiệm từng cấp.
Nhiều dự án đầu tư công bị "đội vốn" lên nhiều lần khiến dư luận bức xúc. (Nguồn: Tạp chí Tài chính) |
Theo ông Lê Tuấn Anh, pháp luật về đầu tư và xây dựng hiện hành (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng) đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án; đồng thời cũng quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án. Đối với đầu tư công, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND là người quyết định đầu tư. Do vậy, quá trình thực hiện nếu có điều chỉnh không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh. Các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Lê Tuấn Anh cũng đưa ra nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến nhiều dự án đầu tư bị “đội vốn”. Với các nguyên nhân khách quan, theo luật định thì việc điều chỉnh dự án và tăng vốn là cần thiết. Đối với các nguyên nhân chủ quan cần có phân tích, đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm.
Song có thể đưa ra một số nguyên nhân chủ yếu như chất lượng khâu lập dự án ban đầu kém, dự án được lập sơ sài, thiếu thực tế (khảo sát, lập dự án). Chất lượng thẩm định không cao, khâu tổ chức thực hiện không đồng bộ dẫn đến kéo dài thời gian (giải phóng mặt bằng chậm, vốn bố trí không đủ, nhà thầu không đủ năng lực, thi công kéo dài...). Đặc biệt, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp quản lý, theo dõi và thực hiện.
Để giải quyết được thực trạng này, ông Lê Tuấn Anh kiến nghị cần tăng cường phản biện độc lập trong lựa chọn quyết định đầu tư, giám sát, kiểm tra nghiêm túc, cần có chế tài mạnh xử lý vi phạm về đầu tư công.
Không làm chậm giải ngân ODA
Liên quan đến những băn khoăn về việc giản ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) còn chậm trễ, thiếu hiệu quả, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Hoàng Hải cho biết, một trong những khó khăn là khó linh hoạt trong điều chỉnh dự toán. Thời điểm trước 2015, việc giải ngân không dựa trên dự toán mà theo tiến độ triển khai dự án. Vì vậy, Chính phủ luôn phải giải thích với Quốc hội lý do quyết toán khác xa dự toán. Luật Ngân sách năm 2015 ra đời và áp dụng từ 2016 trở đi đã yêu cầu mọi khoản giải ngân ODA phải theo dự toán Quốc hội giao.
Vướng mắc khi thực hiện nằm ở chỗ việc ra dự toán nếu thay đổi sẽ khó khăn khi điều chỉnh. Vốn ODA ưu đãi cũng như vốn đầu tư công vì vậy không dễ để chuyển tiền giải ngân chậm từ địa phương này sang địa phương khác, hay từ Bộ này sang Bộ khác.
“Mặc dù chúng ta thấy vướng mắc trong quá trình triển khai dự án như dự án này thì triển khai chậm, nhưng dự án khác đang đói vốn, nhưng việc điều chỉnh dự toán phải được thực hiện theo pháp luật. Giải pháp cần làm là xây dựng dự toán sát hơn. Trách nhiệm này thuộc về chủ dự án để khi trình có thể báo cáo Chính phủ rồi sau đó Chính phủ đưa ra Quốc hội con số chính xác”, ông Hải giải thích.
Bộ Tài chính khẳng định không làm chậm trễ giải ngân vốn ODA. (Nguồn: TTXVN) |
Ông Hải khẳng định, Bộ Tài chính có hai nhiệm vụ. Kho bạc Nhà nước có nhiệm vụ kiểm soát chi, còn Bộ Tài chính kiểm soát giải ngân đã được quy định. Các bước kiểm soát chi, giải ngân đều được quy định rõ và đến nay Bộ Tài chính tuân thủ.
“Vì vậy, không thể có sự chậm trễ từ phía Bộ Tài chính mà gây ra việc chậm giải ngân nguồn vốn ODA”, ông Hải nói.
Khoán kinh phí đã giảm đáng kể xe công
Thông tin về vấn đề thực hiện khoán xe công để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, ông Trần Đức Thắng Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho hay, thực hiện các quy định của pháp luật cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã có khoảng 20 Bộ, ngành, địa phương đã và đang từng bước thực hiện phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng…
Hà Nội áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (từ ngày 20/2/2017) tại 8 cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Tổng chi phí tiết kiệm so với chi phí thực tế sử dụng cùng kỳ là 1.7 tỷ đồng, trung bình một xe tiết kiệm 6,7 triệu đồng/xe/tháng.
Tại TP. Hồ Chí Minh, việc áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (từ tháng 5/2018) tại 5 đơn vị của thành phố (Văn phòng UBND Thành phố, Sở Tài chính, Ban quản lý an toàn thực phẩm, UBND quận Bình Thạnh, UBND huyện Bình Chánh). Theo tính toán của thành phố, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương 1,2 tỷ đồng/năm.
“Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe ô tô công; giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe; số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính; tăng hiệu suất sử dụng xe ô tô công; các công việc, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và các chức danh thực hiện khoán được thực hiện bình thường, không bị ảnh hưởng khi áp dụng khoán”, ông Thắng cho hay.