Bộ trưởng Giáo dục Đức Bettina Stark-Watzinger cho rằng nước này nên thận trọng trước Trung Quốc, đặc biệt là về hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu cốt lõi, cũng như công nghệ lưỡng dụng cho lĩnh vực dân sự và quân sự. (Nguồn: DPA) |
Ngày 11/10, phát biểu nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đức và Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức Bettina Stark-Watzinger nhận định từ lâu, Trung Quốc từ một đối tác chiến lược đã trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt về kinh tế và đối thủ mang tính hệ thống của Đức và Liên minh châu Âu (EU). Bà cho rằng Bắc Kinh phải có trách nhiệm trước các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, sự ấm lên toàn cầu.
Trong các lĩnh vực nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo hay các công nghệ lưỡng dụng cho cả lĩnh vực dân sự và quân sự, Bộ trưởng Giáo dục Đức Stark-Watzinger đề nghị cần vạch rõ ranh giới trong hợp tác với Trung Quốc để tránh các kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng cho các mục đích không mong muốn. Bà cho biết Berlin đã hủy nhiều dự án hợp tác với Bắc Kinh vì lý do này, đặc biệt là đối với các công nghệ quan trọng.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin sẽ thảo luận với Washington về Đạo luật Giảm lạm phát của xứ cờ hoa để giải quyết những lo ngại về cạnh tranh. Phát biểu tại một hội thảo kỹ thuật ở Berlin, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh Đức phải hợp tác với các quốc gia khác để ngăn chặn “một cuộc chiến hải quan quy mô lớn giữa tất cả các quốc gia”.
Đạo luật Giảm lạm phát gây tranh cãi nói trên được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành hồi tháng 8, kêu gọi mở rộng các biện pháp hỗ trợ thuế cho các hợp đồng mua bán xe điện nhưng chỉ với những xe lắp ráp ở khu vực Bắc Mỹ.