Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tiếp xúc cử tri huyện Yên Lạc. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Vĩnh Phúc gồm các đồng chí: Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao; Lê Tất Hiếu, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Trần Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Yên Lạc gồm các đồng chí: Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Phú Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ: Nguyễn Thị Huấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Lạc; Nguyễn Thị Xuyến, Giáo viên Trường THPT Yên Lạc 2.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Lạc; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và đại diện cử tri 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Lạc.
Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc thông tin đến cử tri kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo đó, tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết; cho ý kiến 10 dự án luật, trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Quốc hội cũng xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; giám sát tối cao chuyên đề; chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri…
Các cử tri huyện Yên Lạc bày tỏ sự quan tâm đến những thành tựu trong công tác đối ngoại trong năm qua. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Các cử tri bày tỏ vui mừng trước những thành tựu phát triển của đất nước, của tỉnh và đánh giá cao kết quả hoạt động tích cực của đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh trong thời gian qua. Một số ý kiến của cử tri trong huyện đã được tỉnh giải quyết và trả lời cử tri tại Hội nghị như: Hệ thống kênh khu vực xã Yên Phương gây ách tắc, ngập úng; bố trí nguồn vốn cải tạo tỉnh lộ 35 tại xã Trung Nguyên; chế độ phụ trách của người không chuyên trách ở cấp xã; vấn đề sửa chữa các vị trí sạt lở tại khu vực Đền Tranh, xã Trung Nguyên…
Các cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm và kiến nghị đến các đại biểu một số vấn đề như: làm rõ hơn những thành tựu trong công tác đối ngoại trong năm qua; Có nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho hoạt động thể thao quần chúng và tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết của các khu dân cư; siết chặt công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng; giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong thực hiện Dự án quản lý nguồn nước ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc đoạn qua xã Nguyệt Đức; xem xét điều chỉnh nghị quyết của HĐND tỉnh phê duyệt về phương án bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh…
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, thông tin về công tác đối ngoại đất nước thời gian vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thế giới đã và đang trải qua những biến động lớn, trong đó có những biến động chưa có tiền lệ, đặt ra thách thức lớn, phức tạp nhất đối với hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng cho rằng như với Vĩnh Phúc, là tỉnh dựa vào phát triển sản xuất công nghiệp, dưới tác động tiêu cực của kinh tế thế giới cũng đã gây ra những khó khăn nhất định, đặc biệt là về xuất khẩu hàng hóa…
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, bám sát Nghị quyết và đường lối đối ngoại Đại hội XIII, công tác đối ngoại đã đạt kết quả quan trọng và toàn diện trên các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao đổi với cử tri huyện Yên Lạc. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bộ trưởng khẳng định, kết quả bao trùm là đã củng cố vững chắc hơn môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; huy động được nhiều nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; được bạn bè quốc tế nể trọng; được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là điểm sáng trong năm qua.
Trong đó, Việt Nam đã mở rộng quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 30 nước là Đối tác chiến lược, Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác toàn diện, Đối tác hợp tác toàn diện… Trong năm 2023, Việt Nam đón gần 20 đoàn lãnh đạo cấp cao đến thăm và cũng có 16 đoàn cấp cao đi thăm các nước, tham gia các cuộc họp đa phương như APEC, ASEAN…
Đáng chú ý, lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Nhật Bản, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, từ đó mở ra nhiều lĩnh vực hợp tác mới.
Đặc biệt, công tác ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp và quan trọng vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Ngoại giao kinh tế đã nắm bắt cơ hội các nước mở cửa trở lại, xu hướng chuyển dịch đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao, bán dẫn…
Công tác biên giới lãnh thổ tiếp tục góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tạo thuận lợi cho giao lưu và phát triển kinh tế-xã hội. Bộ trưởng nhấn mạnh, có được kết quả đó là sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, đồng tâm hiệp lực của các lực lượng làm công tác đối ngoại.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, công tác đối ngoại tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Toàn cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Tuấn Anh) |