Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn Quốc hội chiều ngày 18/3. |
Tác giả bài báo cho biết, lần đầu tiên xuất hiện tại vị trí “ghế nóng” nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời cặn kẽ, đầy đủ 38 câu hỏi được 32 đại biểu Quốc hội đặt ra, qua đó cũng cho thấy một bức tranh tổng thể của ngành ngoại giao và cả những việc cần phải tiếp tục thực hiện để tạo nên những kết quả tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới.
Tạo dựng tin cậy chính trị cao hơn, tìm lĩnh vực đột phá trong quan hệ với các nước
Trong số các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có lẽ ít khi xuất hiện tại diễn đàn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở vị trí của người chịu trách nhiệm giải trình, trả lời chất vấn, và chịu trách nhiệm trả lời chất vấn chính thì chiều qua là lần đầu tiên.
Dù vậy, có thể thấy rằng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã sử dụng hiệu quả khoảng thời gian có hạn của phiên chất vấn để trả lời ngắn gọn, súc tích tất cả các vấn đề được ĐBQH đặt ra, trong đó có cả những nội dung đòi hỏi tầm nhìn bao quát và phải nắm rất chắc lĩnh vực quản lý.
Đơn cử như các chất vấn của ĐBQH Lê Thị Son An (Long An), ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) về thời cơ, thách thức đối với đất nước ta trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường hiện nay và Bộ Ngoại giao đã, sẽ tham mưu gì cho Chính phủ để có các kế hoạch, chương trình hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch với các đối tác là thị trường lớn chủ chốt của Việt Nam cũng như hỗ trợ các địa phương tận dụng được cơ hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương?
Trả lời các nội dung này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, các nội hàm mà nước ta rất quan tâm trong quan hệ với các đối tác quan trọng là: tạo dựng được sự tin cậy chính trị cao hơn; từ thế mạnh của từng đối tác, chúng ta thiết lập khuôn khổ để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo sâu sắc hơn, toàn diện hơn; đồng thời cũng tìm ra những đột phá trong quan hệ của ta với các đối tác.
Đơn cử, với Trung Quốc, điểm đột phá là phải tăng cường kết nối về hạ tầng, trong đó có hạ tầng về đường sắt giữa các tỉnh phía Bắc nước ta liên thông vào sâu nội địa Trung Quốc và sang cả các nước Trung Á, Đông Âu. Nếu hạ tầng này kết nối tốt, hàng hóa của chúng ta không chỉ sang Trung Quốc ở các tỉnh biên giới mà vào sâu trong nội địa và sang các nước Trung Á.
Hay với Hoa Kỳ, điểm đột phá trong hợp tác là ngành công nghiệp bán dẫn, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam để xây dựng hệ sinh thái của ngành công nghiệp bán dẫn; hai bên tiếp tục củng cố hợp tác về thương mại và đầu tư vì Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. “Nếu duy trì và mở thông được những việc này, cộng với việc chúng ta đang cùng hợp tác với Hoa Kỳ để công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường thì sẽ tạo đột phá thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của ta với các đối tác”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Đó là những ưu tiên ở tầm vĩ mô, đi vào cụ thể hơn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, Bộ Ngoại giao cũng đặc biệt quan tâm, phối hợp với các bộ, ngành, hỗ trợ các địa phương đi xúc tiến đầu tư, quảng bá và kết nối hợp tác với các đối tác về các lĩnh vực trọng điểm. Các địa phương hiện nay đã nghiên cứu rất kỹ, xây dựng, ký kết được các bản tuyên bố hợp tác và đề ra được kế hoạch riêng của địa phương mình để tranh thủ được thế mạnh của đối tác. “Chúng tôi rất hoan nghênh và sẵn sàng đồng hành với các địa phương để triển khai việc này”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Đối với vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm là ngoại giao kinh tế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ 6 trọng tâm trong thời gian tới.
Một là, phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đã thiết lập và nâng tầm trong thời gian qua để xác định trọng tâm hợp tác trong từng lĩnh vực với các đối tác. Trên cơ sở đó sẽ thông tin cho các địa phương, bộ ngành cùng nhau phối hợp triển khai để tranh thủ tốt nhất cơ hội được mở ra.
Hai là, tăng cường công tác nghiên cứu, phát hiện và kết nối các cơ hội để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Động lực tăng trưởng truyền thống ở đây bao gồm xuất khẩu, đầu tư, du lịch. Trên cơ sở nâng tầm quan hệ với các đối tác rồi thì bây giờ chúng ta cũng nâng tầm hợp tác trong cả 3 lĩnh vực này với các đối tác.
Ba là, đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đó là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hợp tác về chuyển đổi năng lượng. Đây là những lĩnh vực mới cần phải khai thác để phát huy. Hiện nay, cộng đồng quốc tế cũng đánh giá rất cao việc Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam thông qua các dự án hợp tác cụ thể. Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các bộ, ngành để triển khai, cụ thể hóa.
Bốn là, hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn của đất nước ta, triển khai bằng các dự án hợp tác rất cụ thể.
Năm là, phát huy lợi thế, nâng cao hơn nữa vai trò ngoại giao trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ cho điều hành của Chính phủ và các cơ quan của Đảng và Nhà nước ta.
Sáu là, tham gia đóng góp tích cực vào các định chế hợp tác kinh tế đa phương. Chúng ta duy trì được chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất là rất quan trọng trong thời gian tới, còn nếu không duy trì được, để xảy ra đứt gãy ở chỗ nào, chúng ta sẽ gặp ngay khó khăn, thách thức.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn lĩnh vực ngoại giao. |
Chủ động, sáng tạo, vận dụng nhuần nhuyễn hơn nữa tư tưởng “ngoại giao cây tre”
Không né tránh bất cứ câu hỏi chất vấn nào, kể cả với những câu hỏi đề cập trực diện một số vấn đề tiêu cực, tính chất nhạy cảm, thậm chí là “nỗi đau” với những người làm công tác ngoại giao chân chính vừa qua như những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của một bộ phận cán bộ ngoại giao vụ chuyến bay “giải cứu” trong đại dịch Covid-19..., Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn qua phần trả lời chất vấn thể hiện rõ sự cầu thị, chân thành và quyết tâm của không chỉ người đứng đầu mà còn của cả ngành ngoại giao trong việc khắc phục những tồn tại, khuyết điểm này.
“Chúng tôi đã rút ra một số biện pháp nhằm kiên quyết, kiên trì thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành, đặc biệt là các biện pháp về công tác cán bộ, công khai minh bạch trong tổ chức hoạt động; rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy trình, quy định liên quan đến những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, trong đó đặt trọng tâm là công tác lãnh sự và bảo hộ công dân, trước hết là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài”, Bộ trưởng cam kết.
Tất nhiên, với “sứ mệnh” rất đặc biệt của mình, ngành ngoại giao có trọng trách nặng nề, cũng là vinh dự lớn lao trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những biến động lớn, phức tạp, khó lường, có những diễn biến vượt khỏi dự báo thông thường như hiện nay thì toàn ngành ngoại giao càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa, chủ động, sáng tạo, vận dụng nhuần nhuyễn hơn nữa tư tưởng “ngoại giao cây tre”, phát huy tối đa sức mạnh mềm để phụng sự cho sự phát triển của đất nước.
Phát biểu kết luận phiên họp chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với tinh thần trách nhiệm cao, hiểu biết, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách đã trả lời rõ ràng, rành mạch, thắng vào các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn và đã làm rõ thực trạng cũng như đề xuất nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các giải pháp, các cam kết của các vị Bộ trưởng tại phiên chất vấn này.
Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng chỉ rõ trong phát biểu kết luận phiên chất vấn: Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan cần tiếp thu tối đa ý kiến, góp ý của các ĐBQH, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Ngay sau phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết để xác định rõ những công việc trọng tâm, cụ thể mà Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan, địa phương cần thực hiện. Với sự chân thành, cầu thị, trách nhiệm và quyết tâm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã thể hiện rõ tại phiên chất vấn, tin rằng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và ngành ngoại giao sẽ tạo nên những kết quả tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới.