Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis
Tuấn Anh
11:51 | 25/10/2023
Sáng ngày 25/10, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đón và tiến hành hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Lithuania Gabrielius Landsbergis.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Lithuania Gabrielius Landsbergis thăm chính thức Việt Nam từ ngày 25-26/10.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania có ý nghĩa quan trọng, trước hết nhằm thúc đẩy việc trao đổi đoàn các cấp và kiểm điểm, đề xuất hướng cụ thể nhằm củng cố quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực hai bên có thế mạnh như phối hợp trên trường quốc tế, hợp tác nông nghiệp và chuyển giao công nghệ.
Việt Nam và Lithuania thiết lập quan hệ Ngoại giao từ năm 1992 và trong suốt 3 thập niên qua, Chính phủ hai nước luôn coi trọng và dành sự quan tâm cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hợp tác nhiều mặt giữa hai bên.
Nhân dân Lithuania luôn dành tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam và năm 2021, Lithuania đã ủng hộ Việt Nam 168.700 liều vaccine Covid-19 giúp Việt Nam vượt qua đại dịch. Hai bên luôn ủng hộ nhau trên trường quốc tế, nhất là tại diễn đàn Liên hợp quốc (LHQ).
Gần đây nhất, tháng 4/2023, Lithuania đã ủng hộ Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo. Trong ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Lithuania Gabrielius Landsbergis ghi sổ vàng lưu niệm mở tại Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Trong dịp Việt Nam tổ chức các diễn đàn mang tầm quốc tế như Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 - IPU (9/2023) và Diễn đàn Bộ trưởng OECD-Đông Nam Á (10/2023), Lithuania đều đã và sẽ cử đại diện tham dự. Lithuania đánh giá cao các nỗ lực của chủ nhà Việt Nam trong việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế này tại Hà Nội.
Hai nước có nhiều tiềm năng trong việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có thế mạnh. Trước hết có thể kể đến triển vọng tăng cường hợp tác trong giáo dục, vốn đã được xây dựng từ thời Liên Xô (cũ). Việc tăng cường hợp tác giáo dục giữa hai nước có thể giúp sinh viên Việt Nam tiếp cận được một thị trường du học tiềm năng, giá cả tốt và có cơ hội tham gia thị trường việc làm châu Âu.
Về du lịch, Lithuania tập trung vào nền kinh tế số, đưa du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái (Ecotourism) và du lịch nông nghiệp (Agritourism), trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chính phủ Lithuania đưa ra nhiều chính sách thu hút du lịch địa phương, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý và quảng bá du lịch.
Ngoài ra, hợp tác chuyển giao công nghệ cũng là lĩnh vực triển vọng, khi Chính phủ Lithuania dành quan tâm, đặc biệt chú trọng vào cung cấp dịch vụ công với tốc độ nhanh, chất lượng tốt. Hiện Lithuania xếp thứ 7 về tiêu chuẩn Chính phủ điện tử tại châu Âu 2023.
Lithuania hiện đang xây dựng một khuôn viên công nghệ khổng lồ - lớn nhất châu Âu - tại thủ đô Vilnius, hướng tới trở thành thủ đô công nghệ mới của vùng Baltic, trị giá 100 triệu Euro (109,6 triệu USD), trải rộng 55.000 m2 và thu hút 5.000 nhân viên. Tech Zity quản lý ba cơ sở công nghệ ở Vilnius, bao gồm Tech Park, Tech Loft và Tech Spa, nơi đặt trụ sở của các công ty như Google, Bored Panda và Kilo Health. Việt Nam có thể hợp tác với Lithuania trong các lĩnh vực nghiên cứu bảo mật, trí tuệ nhân tạo, dịch vụ công nghệ, chính phủ điện tử.
Lithuania coi trọng việc thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và đáp ứng yêu cầu đưa phát thải ròng về 0 của EU. Trong ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Lithuania Gabrielius Landsbergis ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước.
Theo Kế hoạch năng lượng Quốc gia và Kế hoạch hành động Khí hậu của Cộng hòa Lithuania giai đoạn 2021-2030, Lithuania đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong năng lượng tiêu thụ là 45% - một trong những kế hoạch tham vọng nhất cho sự phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở EU, trong đó, 45% điện và 90% năng lượng sưởi ấm khu vực sẽ từ nguồn năng lượng này.
Hiện nay, Việt Nam cũng coi trọng phát triển nguồn năng lượng tái tạo với mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.
Để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng trên, hai bên có thể trao đổi kinh nghiệm về hoạch định chính sách, quản lý môi trường, tăng cường trao đổi chuyên gia, tìm hiểu về quá trình nghiên cứu, thực thi chính sách về Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải (EU ETS)…
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.