Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko thăm Việt Nam từ ngày 10-11/10. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của nữ Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản sau gần một tháng bà được bổ nhiệm vào vị trí Ngoại trưởng trong Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida.
Trước đó, nhân dịp bà Kamikawa Yoko được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ngày 13/9, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện chúc mừng.
Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang trong giai đoạn tốt đẹp và được thực hiện trong năm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Có thể khẳng định, trong 50 năm qua, hai nước đã trở thành đối tác hết sức quan trọng của nhau, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung. Khuôn khổ quan hệ liên tục được nâng cấp từ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” (2002) lên “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (2006), “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (2009) và “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” (2014).
Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, các hội nghị ASEAN+, APEC, ASEM..., đóng góp ngày càng tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phù hợp với đường lối đối ngoại tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam.
Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1995), nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (2009), nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam (2011) và cũng là nước G7 đầu tiên mời lãnh đạo Việt Nam tham dự Diễn đàn G7 mở rộng (2016) và tiếp tục mời Việt Nam tham gia vào 5/2023 vừa qua. Trong ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko ghi sổ vàng lưu niệm mở tại Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, tổ chức gặp gỡ bên lề các Hội nghị quốc tế và khu vực, từ đó củng cố quan hệ tin cậy giữa Lãnh đạo hai nước, đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển hiệu quả trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Hiện Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ 2, nhà đầu tư lớn thứ 3, đối tác du lịch lớn thứ 3 và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Quan hệ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, giáo dục và đào tạo ngày càng được tăng cường, đi vào chiều sâu, thực chất. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương ngày càng mật thiết, là nền tảng quan trọng, vững chắc thúc đẩy mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước.
Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 23,4 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.
Nhật Bản là đối tác đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Những FTA này đã và đang tạo ra các khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko ghi dấu mốc mới trên chặng đường hợp tác tốt đẹp trong 50 năm qua giữa Việt Nam và Nhật Bản, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước tiếp tục phát triển sâu sắc, toàn diện và nâng cao hơn nữa tầm vóc quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong giai đoạn mới.