Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự buổi ăn trưa làm việc với các Đại sứ EU tại Việt Nam ngày 1/12. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trưa ngày 1/12, theo lời mời của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dự buổi ăn trưa làm việc với các Đại sứ EU tại Việt Nam.
Tại buổi ăn trưa làm việc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU, đồng thời vui mừng nhận thấy quan hệ giữa Việt Nam với EU và các nước thành viên đã đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thông báo trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh mới, Việt Nam chủ trương thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với EU và các nước thành viên để làm sâu sắc hơn hợp tác Việt Nam-EU và cùng giải quyết các thách thức chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và trên thế giới nói chung.
Trên cơ sở nền tảng quan hệ tốt đẹp sẵn có, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, giao lưu nhân dân, duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác/đối thoại hiện có, phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao đổi với các Đại sứ EU tại Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị EU tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nhằm gia tăng trao đổi thương mại hai chiều; các nước thành viên EU sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), tạo điều kiện cho hàng hóa vào thị trường EU để đưa hợp tác kinh tế Việt Nam-EU phát triển tương xứng với nhu cầu và tiềm năng hợp tác của hai bên; có tiếng nói vận động Ủy ban Châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; chú trọng đầu tư hơn nữa vào các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, công nghệ cao, giáo dục đào tạo nguồn nhân lực...
Thay mặt các Đại sứ EU, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của EU tại khu vực, nhất là trong bối cảnh EU đang triển khai nhiều chính sách hướng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
EU và các nước thành viên khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, trong đó ưu tiên hàng đầu là tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA và sớm đưa Hiệp định EVIPA đi vào thực thi.
Các Đại sứ châu Âu khẳng định, EU và các nước thành viên sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực EU có thế mạnh như năng lượng, y tế, quốc phòng - an ninh.
Toàn cảnh buổi ăn trưa làm việc giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với các Đại sứ EU tại Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Các Đại sứ EU bày tỏ ủng hộ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EU, nhất là trong bối cảnh kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, trong đó có Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc mà Việt Nam là thành viên nhiệm kỳ 2023-2025.
Cũng tại buổi ăn trưa làm việc, hai bên đã trao đổi cởi mở về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn EU và các nước thành viên đã hỗ trợ vaccine và các trang thiết bị y tế, giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và sớm phục hồi kinh tế - xã hội.