Đoàn công tác Bộ Ngoại giao do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn làm việc với các lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tham gia đón và làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Hòa Bình có: ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình; ông Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Sở/ban/ngành của tỉnh Hòa Bình.
Tin liên quan |
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm, tặng quà công nhân tỉnh Hòa Bình và dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ |
Về phía Bộ Ngoại giao có: Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027; Thủ trưởng các đơn vị: ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á; ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi; ông Doãn Hoàng Minh, Cục trưởng Cục Lãnh sự; ông Nguyễn Như Hiếu, Cục trưởng Cục Ngoại vụ; ông Nguyễn Trường Sơn, Tổng biên tập Báo Thế giới & Việt Nam và đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ…
Hòa Bình mong muốn Bộ đồng hành trong đối ngoại địa phương
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long chúc mừng những thành tựu to lớn của ngành Ngoại giao đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, thành công của ngành Ngoại giao đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước, trong đó có tỉnh Hòa Bình.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long cho biết, tỉnh có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng trong khu vực và của cả nước do vừa nằm trong vùng Trung du miền núi phía Bắc, đồng thời nằm trong Quy hoạch Vùng Thủ đô.
Với truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, tỉnh là cái nôi của người Việt cổ, là nơi ghi những dấu tích đầu tiên hình thành “Nền văn hóa Hòa Bình” đã được thế giới công nhận. Hiện Hòa Bình còn lưu giữ được gần 800 di sản văn hóa phi vật thể và trên 18 nghìn hiện vật có giá trị; hơn 109 di tích đã được xếp hạng…
Tỉnh có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn: cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp với nhiều danh lam thắng cảnh, nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng đặc biệt là nguồn nước ngọt, nước khoáng với hàm lượng khoáng cao, trữ lượng lớn phục vụ nhu cầu sinh hoạt, du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh. Đặc biệt, Hòa Bình có hồ nước nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á-hồ Hòa Bình; có thủy điện Hòa Bình lớn nhất khu vực, đang mở rộng giai đoạn 2; có nước khoáng Kim Bôi và là an toàn khu của Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long chúc mừng những thành tựu to lớn của ngành Ngoại giao đã đạt được trong thời gian qua. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hòa Bình hướng tới mục tiêu xây dựng thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. Tỉnh hiện có một số khu, điểm du lịch đã và đang cần đầu tư khai thác, đặc biệt là Khu du lịch Hồ Hòa Bình với trên 50.000ha, đã được quy hoạch là một trong 12 Khu du lịch quốc gia trong khu vực.
Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, Tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Hòa Bình xác định, công nghiệp làm động lực, du lịch làm mũi nhọn, nông nghiệp công nghệ cao làm nền tảng.
Trên cơ sở đó, Hòa Bình xác dựng 5 đột phá chiến lược, trong đó văn hóa là số một, đặc biệt phát huy các giá trị văn hóa Hòa Bình và văn hóa Mường, tạo hướng đi riêng biệt. Hai là, đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Ba là, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông-đường cao tốc Hòa Bình-Hà Nội; cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu (Sơn La). Bốn là, tận dụng tối đa lợi thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Năm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cũng tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, trong năm 2023, toàn tỉnh đón 3,8 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 108,6% kế hoạch năm; trong đó khách quốc tế 450 nghìn lượt, tăng 227,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 100% kế hoạch năm.
Hoạt động đối ngoại được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo triển khai toàn diện trên các lĩnh vực, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam nói chung, của tỉnh Hòa Bình nói riêng nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh.
Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long đề xuất với Bộ Ngoại giao hỗ trợ, giúp đỡ Hòa Bình trong xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến các nhà đầu tư các nước và vùng lãnh thổ, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn…, nhất là các tập đoàn, công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, châu Âu..., thiết lập quan hệ ngoại giao kinh tế giữa tỉnh Hoà Bình với các đối tác nêu trên.
Thứ hai, về du lịch, tỉnh đề xuất Bộ hỗ trợ quảng bá về hình ảnh, danh lam thắng cảnh của tỉnh đến với các đơn vị lữ hành lớn trên thế giới, kết nối các tua tuyến đến với tỉnh Hòa Bình… Đặc biệt, tỉnh mong Bộ hỗ trợ thúc đẩy tiến độ, góp ý, hướng dẫn tỉnh những yêu cầu của UNESCO để bộ hồ sơ di sản Mo Mường sớm được hoàn thành; hồ sơ nền văn hóa Hòa Bình…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thứ ba, Bộ hỗ trợ tỉnh kết nối để hợp tác với kết nghĩa với địa phương các nước, đặc biệt là khu vực châu Á: Trung Quốc, Lào, Campuchia…
Thứ tư, Hòa Bình sẵn sàng đón tiếp các đối tác quan trọng, đối tác tiềm năng đối với phát triển của địa phương, của doanh nghiệp; các đoàn khách quốc tế đến tỉnh, qua đó tỉnh quảng bá về hình ảnh của địa phương đến với bạn bè quốc tế, mang lại kết quả thiết thực hơn cho tỉnh về hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch với các nước.
Hòa Bình cũng mong muốn thu hút đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là dự án thuộc lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn kinh tế xanh…
Ngoài ra, tỉnh cũng mong muốn Bộ và các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh tiếp thị, mở rộng thị trường xuất khẩu; kết nối các nhà đầu tư nước ngoài có uy tín; hỗ trợ đào tạo cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế ở địa phương…
Nỗ lực thu hút các nguồn lực về phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hòa Bình
Tại buổi làm việc, thủ trưởng các đơn vị của Bộ Ngoại giao (Vụ Đông Bắc Á, Vụ châu Âu, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO…), Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tại Anh, Thái Lan, Mông Cổ… cũng đã trao đổi, cung cấp thông tin hỗ trợ Hòa Bình trong thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế với các nước.
Các đại biểu khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh đi thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư - thương mại tại các địa bàn; hỗ trợ xác minh thông tin liên quan đến hoạt động kinh tế nước ngoài cũng như hỗ trợ tỉnh trong xúc tiến thương mại, du lịch quốc tế…
Đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Ngoại giao và Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trao đổi tại buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong thời gian qua, công tác đối ngoại đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương tại Hội nghị Ngoại giao 32 và Hội nghị Ngoại vụ 21, tháng 12/2023 vừa qua.
Việt Nam đã mở rộng quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 30 nước là Đối tác chiến lược, Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác toàn diện, Đối tác hợp tác toàn diện… Trong năm 2023, Việt Nam đón gần 20 đoàn lãnh đạo cấp cao đến thăm và cũng có 16 đoàn cấp cao đi thăm các nước, tham gia các cuộc họp đa phương như APEC, ASEAN…
Công tác ngoại giao kinh tế đóng góp trực tiếp và quan trọng vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Đặc biệt, năm 2023, ngoại giao kinh tế đã nắm bắt cơ hội các nước mở cửa trở lại, xu hướng chuyển dịch đầu tư,… hỗ trợ và giúp đỡ địa phương và doanh nghiệp mở rộng thị trường, xúc tiến đầu tư, kết nối với các đối tác để xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư, tìm kiếm đối tác.
Công tác ngoại giao văn hóa đang được triển khai mạnh mẽ, trong 3 năm qua đã có 13 di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận, hỗ trợ rất lớn cho địa phương vừa quảng bá hình ảnh địa phương, tranh thủ các nguồn lực quốc tế, thu hút khách du lịch quốc tế… Công tác người Việt Nam ở nước ngoài được Bộ đang triển khai quyết liệt với nhiều hoạt động phong phú, trong đó có đấu tranh địa vị pháp lý cho bà con, thu hút nguồn lực kiều bào về phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, công tác đối ngoại tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Đặc biệt, ngoại giao kinh tế tiên phong, lấy địa phương, người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
Bộ trưởng cho biết, tham gia đoàn lần này có 18 Đại sứ và 8 Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài và thủ trưởng các đơn vị có liên quan… sẽ ghi nhận những ý kiến của tỉnh để tìm các đối tác phù hợp.
Bộ trưởng đánh giá cao những kết quả và bày tỏ sự đồng tình với những thành tựu trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, kinh tế, đối ngoại của địa phương đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh, tỉnh có hướng đi, tầm nhìn rất rõ ràng. Tỉnh cũng rất quyết tâm, các đồng chí Lãnh đạo tỉnh rất quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội tỉnh thời gian tới là cơ sở để Hòa Bình phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của tỉnh về tăng cường hợp tác hữu nghị hòa bình với các đối tác, Bộ trưởng đề nghị, Vụ Đông Bắc Á và Vụ Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương chọn các đối tác tại: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)… kết nối cho tỉnh, qua đó sẽ tìm ra hướng hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể.
Về xúc tiến đầu tư, Bộ trưởng đề nghị tập trung vào các đối tác chính tại khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore), châu Âu và Bắc Mỹ… trong đó chủ yếu vào lĩnh vực chuyển giao công nghệ, khoa học công nghệ cao. Bộ trưởng nhất trí, hai bên sẽ phối hợp trong xây dựng kế hoạch đoàn Lãnh đạo tỉnh ra nước ngoài, đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp trong xây dựng chương trình làm việc cụ thể của tỉnh tại nước ngoài.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tặng quà lưu niệm cho Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Bộ cũng sẽ kêu gọi các đoàn, đối tác nước ngoài đến làm việc với tỉnh, tập trung vào khu vực Hàn Quốc, Nhật Bản… trong đó, trọng tâm là các hiệp hội doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Ngoài ra, các hoạt động chung của Bộ Ngoại giao như: Gặp gỡ Trung Đông châu Phi, Gặp gỡ châu Âu… Bộ sẽ thu xếp các cuộc gặp riêng cho tỉnh với từng đối tác.
Về lĩnh vực ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng đồng tình với định hướng phát triển của tỉnh về thu hút du lịch, định hướng phát triển du lịch xanh của tỉnh. Bộ trưởng đề nghị, tổ chức đoàn các cơ quan báo chí nước ngoài để quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh ra nước ngoài. Bộ trưởng cũng đề nghị Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO phối hợp với tỉnh trong hoàn thiện bộ hồ sơ di sản Mo Mường; hồ sơ nền văn hóa Hòa Bình…
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao sẽ hỗ trợ, phối hợp với tỉnh trong công tác đào tạo cán bộ, người làm công tác đối ngoại của địa phương, đặc biệt trong cập nhật kiến thức thông tin đối ngoại. Bộ cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quốc tế, khu vực để cập nhật thường xuyên…
Thống nhất với ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng đề nghị hai bên giao cụ thể cho 2 đơn vị (Cục Ngoại vụ và Văn phòng UBND tỉnh) hoàn thiện kế hoạch hợp tác giữa hai bên, làm cơ sở để thực hiện trong thời gian tới.
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng hợp tác Mekong-Lan Thương Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ 8 vào ngày 7/12 ... |
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Benin Olushegun Adjadi Bakari Chiều ngày 14/12, tại Nhà khách Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đón và tiến hành hội đàm với Bộ trưởng ... |
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Công tác đối ngoại và ngoại giao là điểm sáng trong thành tựu chung của đất nước Chiều ngày 15/12, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm ... |
| Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Lễ khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 Báo Thế giới & Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ... |
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Lào Ting Souksanh Ngày 29/12 tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Lào Ting Souksanh cùng ... |