📞

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch: Kiến trúc sư của một chính sách đối ngoại đổi mới

GS.TS. Phạm Quang Minh 19:58 | 08/12/2021
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một trong số các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận ra cơ hội chấm dứt với mô hình chính sách đối ngoại cũ, được định hình bởi yếu tố ý thức hệ và đưa ra một chính sách mới tập trung vào lợi ích quốc gia.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 15 (tháng 5/1982). (Nguồn: tư liệu)

Gửi “thông điệp mới” tới thế giới

Chiến tranh Lạnh kết thúc năm 1989 và Liên Xô sụp đổ năm 1991 đã tạo ra những thay đổi to lớn mang tính cấu trúc đối với chính trị thế giới cũng như Việt Nam. Việt Nam trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã chuyển sang một vị thế cân bằng hơn, nhấn mạnh lợi ích quốc gia và hội nhập khu vực.

Ngày nay, trong chính sách đối ngoại, Việt Nam đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, bao gồm giữ vững môi trường hòa bình thông qua độc lập, tự cường, đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ đối ngoại.

Sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Việt Nam diễn ra dần dần theo thời gian, được hình thành bởi sự kết hợp của các yếu tố bên ngoài và bên trong, đồng thời phản ánh nhận thức của Việt Nam đối với môi trường khu vực.

Qua “sự nghiệp” của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, có thể thấy, đổi mới ở Việt Nam là công cuộc không hề đơn giản và dễ dàng, nhưng qua đó cũng cho thấy Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đóng một vai trò quan trọng như thế nào vào thời khắc có tính bước ngoặt của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người có thể nhận ra cơ hội để Việt Nam chấm dứt mô hình chính sách đối ngoại cũ được xác định bởi ý thức hệ và đưa ra một chính sách mới tập trung vào lợi ích quốc gia. Ông cũng là kiến trúc sư của một chiến lược an ninh mới và một chính sách đối ngoại cởi mở.

Theo Washington Post, ông Thạch sẽ được nhớ đến như một trong những nhà ngoại giao giỏi nhất của Hà Nội vào thời điểm Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, ông Nguyễn Cơ Thạch, một người thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh, đã giúp thế giới hiểu về một Việt Nam đổi mới, năng động, sáng tạo.

Từ… tư duy mới

Sinh năm 1921 trong một gia đình nông dân không ruộng đất ở làng Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Phạm Văn Cương (sau là Nguyễn Cơ Thạch) xung phong tham gia phong trào cách mạng từ khi mới 16 tuổi.

Trước khi trở thành thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tháng 9/1945, ông Nguyễn Cơ Thạch đã trải qua 5 năm (từ tháng 5/1940 đến tháng 4/1945) trong các nhà tù thực dân Pháp khác nhau ở Nam Định, Sơn La, Hỏa Lò, Hòa Bình.

Sau hai năm làm thư ký cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Cơ Thạch đã trải qua các vị trí khác nhau ở Bộ Quốc phòng, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Hà Đông, Ủy ban Liên khu 3 cho đến năm 1954 khi bắt đầu công tác tại Bộ Ngoại giao với tư cách là Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch hội đàm với Ngoại trưởng Pháp Roland Dumas, tháng 2/1990.

Kể từ đó, ông Nguyễn Cơ Thạch đảm nhiệm các chức vụ khác nhau như Tổng lãnh sự quán tại Ấn Độ (1956), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (1962), Trợ lý ông Lê Đức Thọ trong Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (1972), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1980), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1987). Tháng 10/1991, ông được Bộ Chính trị “phân công” tham gia nhóm nghiên cứu các vấn đề đối ngoại.

David Elliott, Giáo sư ngành Chính trị và Quan hệ quốc tế tại Pomona College là một người thầy tôi vô cùng ngưỡng mộ. Ông rất hiểu Việt Nam, nói tiếng Việt rất giỏi, ngày nào cũng đọc báo Nhân Dân và từng gặp Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nhiều lần những năm 1990. Theo Giáo sư David Elliott, chính Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người đã được Bộ chính trị giao nhiệm vụ nghiên cứu phân tích bản chất của quá trình chuyển đổi này.

Trong giai đoạn đó, ông Nguyễn Cơ Thạch có cơ hội nhìn nhận đánh giá tình hình của thời kỳ quá độ: “Toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đang tạo điều kiện cho sự phân công lao động quốc tế mới trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước lớn và nhỏ cũng ngày càng mở rộng trên quy mô lớn hơn”.

Chính Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, vài năm sau khi Liên Xô sụp đổ, đã kết luận rằng, có nhiều yếu tố khác trong hệ thống quốc tế có thể làm đối trọng với sức mạnh của Mỹ.

Ông Nguyễn Cơ Thạch còn là người đã đưa ra nhận xét về những yếu tố mới như sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự khôi phục của nước Nga và các thế lực kinh tế: “Việc Trung Quốc vươn lên như một siêu cường kinh tế và sự tan rã của Liên Xô đã dẫn đến những thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa các nước lớn. Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản đã ủng hộ mạnh mẽ chế độ mới ở Nga và ủng hộ cải cách ở Nga, trong khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng căng thẳng… Thế giới lưỡng cực và ba cực đã trở nên đa cực. Và thế giới đang chuyển từ Chiến tranh Lạnh và các cuộc chạy đua vũ trang sang kỷ nguyên cạnh tranh kinh tế”.

Giáo sư David Elliott cho rằng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là người đưa ra những ví dụ điển hình nhất về tư duy mới trong lĩnh vực ngoại giao và an ninh. Tuy nhiên, ông không giải thích ông Nguyễn Cơ Thạch đã tiếp thu được từ đâu về định dạng “kịch bản” phân tích các vấn đề chiến lược và chính sách đối ngoại, tại sao ông lại áp dụng quan điểm thực tế về những thay đổi quốc tế cuối những năm 1980 vào chủ trương điều chỉnh chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Nhân vật nổi bật nhất

Theo Giáo sư David Elliott, ông Nguyễn Cơ Thạch đã sống trong một giai đoạn quá độ, chứng kiến các cuộc tranh luận sôi nổi của các nhà lãnh đạo, dẫn đến các quyết định quan trọng trong sự nghiệp của các cá nhân và cả dân tộc. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch từng là nhân vật nổi bật nhất của nền ngoại giao Việt Nam trong một thập kỷ.

Sau thời gian dài cống hiến cho ngành ngoại giao, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã nghỉ hưu với mong muốn tạo cơ hội cho thế hệ trẻ được tham gia, rèn luyện và cống hiến.

Việt Nam ngày nay hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào hệ thống quốc tế và khu vực. Không nghi ngờ gì khi cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một trong số các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể nhận ra cơ hội để Việt Nam chấm dứt với mô hình chính sách đối ngoại cũ được định hình bởi yếu tố ý thức hệ và đưa ra một chính sách mới tập trung vào lợi ích quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là kiến trúc sư của một chiến lược an ninh mới và một chính sách đối ngoại cởi mở có giá trị và tính thời sự cho đến tận hôm nay.

Ông là kiến trúc sư của một chiến lược an ninh mới và một chính sách đối ngoại cởi mở có giá trị và tính thời sự cho đến tận hôm nay.

Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị năm 1988 nằm trong số các văn kiện mà Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là một trong những tác giả chính và có thể coi là bước ngoặt trong việc hình thành chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam. Theo đó, Ðảng nêu rõ trạng thái "đấu tranh và hợp tác cùng tồn tại hòa bình" và nhận định "với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ càng có nhiều khả năng giữ vững độc lập và xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa hơn".

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đặt nền móng cho tư duy đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam bằng cách bình thường hóa với Mỹ và trở thành thành viên của tất cả các tổ chức quốc tế, bao gồm ASEAN vào năm 1995 và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.