📞

Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Ivan Mrkic: “Việt Nam và Serbia cần thêm nhiều hiệp định hợp tác kinh tế”

17:36 | 02/03/2013
Trả lời phóng viên báo chí sáng nay 2/3, Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Ivan Mrkic cho biết, chuyến thăm Việt Nam (từ ngày 27/2-2/3) chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng ông đã có những cuộc gặp quan trọng với những kết quả thiết thực. TG&VN xin giới thiệu nội dung cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Ivan Mrkic với báo giới.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao CH Serbia Ivan Mrkic. (Ảnh: Minh Châu/TG&VN)

Được biết đây là chuyến thăm đầu tiên của ông đến Việt Nam. Xin ông cho biết ý nghĩa cũng như kết quả của chuyến thăm?

Đây là chuyến thăm đầu tiên của tôi trên cương vị Ngoại trưởng nhưng là lần thứ 2 tôi đến Việt Nam sau lần đầu tiên vào năm 2000. Tôi có thể nhận thấy những thay đổi lớn lao đang diễn ra ở Việt Nam. Các bạn đã cho thấy sự phát triển và sự thịnh vượng ở khắp mọi nơi. Tôi xin chúc mừng đất nước của các bạn vì những thành tựu và thành công đó.

Trong chuyến thăm này, điều quan trọng nhất là tôi đã có cuộc gặp với ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng như có các cuộc thảo luận ý nghĩa với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Những cuộc gặp này đã diễn ra trong thời gian ngắn của chuyến thăm nhưng tôi rất hài lòng với nội dung cũng như kết quả của các cuộc gặp đó. Chúng tôi đã nhất trí trên nhiều vấn đề và cuối cùng đã ký 2 thỏa thuận. Đó Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Thỏa thuận về công nhận lẫn nhau quy chế kinh tế thị trường.

Việt Nam và Serbia sẽ được lợi gì từ hai Hiệp định mới được ký kết này, thưa ông?

Là một quốc gia từng thuộc Liên bang Nam Tư cũ, Serbia thừa kế những thỏa thuận hợp tác mà Liên bang Nam Tư từng ký với Việt Nam. Nay chúng ta lại có thêm 2 Hiệp định hợp tác nữa. Đây chính là sự thay đổi để phù hợp với những nhu cầu hợp tác mới. Chúng tôi rất muốn duy trì các mối quan hệ hữu nghị và muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam. Cơ sở pháp lý cho các mối quan hệ là rất quan trọng do đó chúng ta đã ký 2 Hiệp định nói trên và dự định sẽ ký tiếp ít nhất 4 Hiệp định hợp tác nữa trong tương lai gần để tăng cường hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.

Xin ông cho biết kết quả cụ thể hơn của cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh?

Chúng tôi đã thống nhất về việc tăng cường quan hệ và đã thảo luận nhiều vấn đề quan hệ song phương, trong đó có vấn đề hợp tác kinh tế cũng như một số lĩnh vực khác. Tôi cũng đã bày tỏ sự biết ơn Việt Nam đã ủng hộ vấn đề chủ quyền và thống nhất lãnh thổ của Serbia. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhất trí về việc trao đổi đoàn và thảo luận về khả năng trao đổi đoàn cấp cao. Việt Nam đã mời Tổng thống Serbia tới thăm Hà Nội, và tôi cũng đã chuyển lời mời tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Serbia. Chúng tôi cũng đã thỏa thuận việc Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm Belgrade trong năm nay.

Xin ông cho biết một số đánh giá về tình hình quan hệ giữa Việt Nam và Serbia cũng như triển vọng quan hệ hai nước?

Hai nước Serbia và Việt Nam có quan hệ chính trị ngoại giao rất tốt và rất ổn định. Tình hữu nghị giữa hai nước đã trải qua nhiều giai đoạn, từ trong chiến tranh cho tới những ngày mới thiết lập quan hệ ngoại giao và tiếp tục tới hiện tại. Trong thời kỳ hòa bình hiện nay, hai nước tập trung tăng cường quan hệ về kinh tế có lợi cho cả hai bên. Đơn cử, chúng ta đã có nhiều bước thúc đẩy thương mại trực tiếp. Và tôi hy vọng trong tương lai gần nhất chúng ta sẽ thông qua Bản Ghi nhớ về quan hệ hợp tác thương mại và kinh tế giữa Serbia và Việt Nam.

Có thể nói, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Serbia hiện chưa tương xứng với tiềm năng cũng như mong muốn của cả hai bên. Theo ông, chính phủ hai nước nên làm thế nào để cải thiện điều này?

Mối quan hệ giữa Serbia và Việt Nam đã kéo dài nhiều thập kỷ qua. Có thể nói đó là một mối quan hệ lâu đời. Hiện tại, hai nước cần có thêm nhiều thỏa thuận hợp tác về kinh tế. Thực tế là quan hệ trong lĩnh vực kinh tế và thương mại vẫn chưa tương xứng với quan hệ về chính trị. Đó là lý do tôi tới Việt Nam, cũng như là lý do chúng ta tăng cường quan hệ trong những năm qua. Với những kế hoạch nhiều tham vọng cho tương lai (ambitious plan for future), chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn thách thức trong quá khứ, mà một trong những mục tiêu là tăng cường trao đổi thương mại cũng như có hình thức hợp tác kinh tế cao hơn giữa hai nước, và chúng ta đang thảo luận về việc đó.

Xin cảm ơn ông!

Kim Chung (ghi)