Đoàn công tác khảo sát Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Thanh Hóa và Nghệ An là hai tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, thuộc top đầu cả nước.
Cụ thể, tổng hợp số liệu của Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa, đến ngày 22/7, tổng kế hoạch vốn năm 2020 đã giải ngân của tỉnh là 5.301 tỷ đồng, đạt 54,6% so với kế hoạch năm 2020 theo thông báo của Trung ương (đạt 58,3% nếu so với số vốn đã được giao kế hoạch chi tiết).
Còn nếu dựa trên con số tổng hợp ở Cổng thông tin quốc gia về giám sát và đánh giá đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 22/7, tỉnh Thanh Hóa hiện đứng thứ 10 trong số 126 cơ quan, đơn vị và đứng thứ 6 trong số 63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao.
Trong khi đó, theo số liệu Bộ Tài chính báo cáo trước Chính phủ, đến ngày 20/7, Nghệ An giải ngân được 3.666 tỷ đồng/5.697 tỷ đồng, tương đương 64%.
Phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng như tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao kết quả này, đồng thời cũng đánh giá cao những kết quả kinh tế - xã hội mà hai tỉnh đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, tuy chưa như kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhiều địa phương trong cả nước tăng trưởng âm thì đó là kết quả tích cực.
Theo Bộ trưởng, cùng một mặt bằng thể chế, chính sách, nhưng việc hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đạt tốc độ giải ngân cao là do lãnh đạo tỉnh đã rất nỗ lực, ngay từ đầu năm đã khẩn trương giao kế hoạch vốn cho các chương trình, dự án; thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban về đầu tư công để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; phân công cụ thể lãnh đạo chỉ đạo, theo dõi các dự án trọng điểm; thành lập các đoàn kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; cương quyết điều chuyển vốn từ dự án chậm trễ sang dự án giải ngân tốt…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sự năng động, sáng tạo, kinh nghiệm thúc đẩy đầu tư công của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An cần được nhân rộng sang các địa phương khác trong cả nước.
Đoàn công tác khảo sát khu công nghiệp VSIP (Nghệ An). (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo cả hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đều đã cam kết sẽ cố gắng giải ngân hết 100% vốn được giao trong năm 2020.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, không chỉ là giải ngân vốn đầu tư công, để phục hồi kinh tế, cũng cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư khác, bao gồm vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư tư nhân,… bởi thực tế vốn đầu tư công chỉ chiếm 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Theo Bộ trưởng, phải coi trọng các nguồn vốn đầu tư này cũng giống như vốn đầu tư công để quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, làm sao khơi thông nguồn lực, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, để phục hồi kinh tế, phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, của nhà đầu tư. Chính vì vậy, cùng với việc thị sát các dự án đầu tư công, thảo luận về các giải pháp thúc đẩy đầu tư công, trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã dành thời gian tham dự Lễ khởi công Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An), đoạn từ điểm giao QL.46 đến TL.535 (Km76+00 - Km83+500), có chiều dài trên 7,3km, vốn đầu tư 521 tỷ đồng; thăm Khu công nghiệp VSIP Nghệ An và các doanh nghiệp có nhà máy đặt tại VSIP Nghệ An.
Bên cạnh việc tới địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham gia tư vấn, góp ý cho các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa, Nghệ An trong 5-10 năm tới.
Theo Bộ trưởng, đây là thời điểm các địa phương có thể tự hoạch định tương lai của mình, nghĩ lớn, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược và có giải pháp thực thi hiệu quả để đạt được mục tiêu đề ra. Phải dám đặt ra mục tiêu lớn, có giải pháp để thực hiện mục tiêu đó, thì kinh tế - xã hội địa phương mới có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Bộ trưởng cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các địa phương phải tập trung xây dựng quy hoạch để quy hoạch lại không gian phát triển, trong đó phải quan tâm đến yếu tố liên kết vùng. Đồng thời, lựa chọn các ưu tiên phát triển, để trong bối cảnh nguồn lực có hạn, sẽ tập trung đầu tư cho dự án nào, hay vùng miền nào. Cùng với đó, các địa phương cũng phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung thu hút đầu tư, nhất là với các nhà đầu tư lớn, các dự án trọng điểm.