Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ kéo dài 3 ngày. (Nguồn: Interview Times) |
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ gặp người đồng cấp Rajnath Singh, Ngoại trưởng Jaishankar và Cố vấn An ninh quốc gia Ajit Doval từ ngày 19-21/3.
Những nội dung chính trong chương trình nghị sự của ông Austin dự kiến bao gồm mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc, hợp tác quân sự Ấn-Mỹ và các thỏa thuận quốc phòng trong thời gian tới, tiến trình hòa bình Afghanistan.
Hai bên có thể sẽ thảo luận những biện pháp khuyến khích các công ty Mỹ thiết lập cơ sở sản xuất thiết bị quốc phòng tại Ấn Độ, trong đó bao gồm cả khả năng lập liên doanh với các đối tác nước sở tại.
Các cuộc họp cũng sẽ đề cập vấn đề nhận thức hàng hải, tập trận quân sự song phương và đa phương, và tăng cường hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Lloyd Austin đến Ấn Độ trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên, trước đó ông và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có các cuộc đối thoại 2+2 với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc trước khi ông Blinken đến Alaska gặp các quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc.
Chuyến thăm này cũng có ý nghĩa quan trọng, vì diễn ra ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ Tứ, trong đó các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cam kết nỗ lực xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ, không bị hạn chế bởi các hành vi cưỡng ép.
Mối quan hệ quốc phòng Ấn-Mỹ đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tháng 6/2016, Mỹ xác định Ấn Độ là đối tác quốc phòng chủ chốt.
Hai nước đã ký kết các thỏa thuận quốc phòng và an ninh quan trọng trong vài năm qua, bao gồm Biên bản Thỏa thuận Trao đổi hậu cần (LEMOA) năm 2016, Thỏa thuận về an ninh và tương thích liên lạc (COMCASA) năm 2018 và Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA) tạo điều kiện cho hai nước chia sẻ công nghệ quân sự cao cấp, hậu cần và bản đồ không gian địa lý.
Cùng ngày, liên quan chuyến thăm của người đứng đầu Lầu Năm Góc tới Ấn Độ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez đã thúc giục ông Austin nói rõ sự phản đối của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc Ấn Độ mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 của Nga.
Theo nội dung bức thư mà ông Menedez gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Thượng nghị sĩ này cho rằng, nếu Ấn Độ lựa chọn tiếp tục thương vụ S-400, hành động này chắc chắn sẽ cấu thành một giao dịch đáng kể, và "có thể chịu trừng phạt theo mục "quốc phòng Nga" trong Điều 231 của Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Nhà lập pháp này cho rằng, điều này sẽ hạn chế khả năng của Ấn Độ trong việc hợp tác với Mỹ về phát triển và mua sắm công nghệ quân sự nhạy cảm, lưu ý ông Austin "làm rõ tất cả những thách thức này trong các cuộc thảo luận với phía đối tác Ấn Độ”.
Trong khi đó, một quan chức chính phủ Ấn Độ cho hay, hai bên sẽ không công bố thỏa thuận nào trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới nước này và các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ bao gồm các vấn đề an ninh quốc tế và khu vực.