Bình luận trên được đưa ra sau khi ngày 23/3, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết sẽ trình bày với ban điều hành IMF một đề xuất chính thức về việc tăng thêm 650 tỷ USD vào dự trữ khẩn cấp của quỹ này vào tháng Sáu tới, nhằm hỗ trợ tình hình tài chính cho các nước nghèo.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ ủng hộ động thái hỗ trợ các nước nghèo của IMF. (Nguồn:Aljazeera) |
Bà Georgieva cho biết một đợt phân bổ mới Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), đơn vị tiền tệ riêng của IMF, sẽ cung cấp cho các nước thành viên một sự hỗ trợ thanh khoản lớn mà không làm gia tăng khối nợ của họ, đặc biệt khi nhiều nước đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nếu được thông qua, đây là sẽ lần phân bổ SDR mới đầu tiên của IMF kể từ đợt phân bổ 250 tỷ USD năm 2009, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội, bà Yellen đã bảo vệ đề xuất trên của IMF trước sự hoài nghi của các nhà lập pháp trong Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ về nguy cơ nguồn quỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ các nước giàu, vốn không cần đến hỗ trợ.
Bà Yellen nhấn mạnh cuộc khủng hoảng hiện nay đã làm tăng nhu cầu dự trữ toàn cầu. Theo bà, kinh tế toàn cầu đã phải hứng chịu tình trạng suy giảm rất nghiêm trọng trong năm 2020 và việc phân bổ nguồn quỹ sẽ giúp các quốc gia đáp ứng nhu cầu dự trữ.
Trước đó, ngày 19/3, Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cũng đã đồng ý hỗ trợ việc tăng cường dự trữ tài chính của IMF. Vương quốc Anh - nước đương nhiệm chức Chủ tịch G7 trong năm nay - cho biết các Bộ trưởng Tài chính G7 đã đồng ý ủng hộ việc gia tăng "đáng kể" khối lượng SDR.
Bộ Tài chính Anh cho biết lượng SDR bổ sung sẽ giúp các nước nghèo hơn chi trả cho các nhu cầu quan trọng như vaccine ngừa Covid-19 và nhập khẩu thực phẩm, đồng thời cải thiện vùng dự phòng của các thị trường mới nổi và các nước thu nhập thấp.