Thái Lan cho thấy họ có sự phát triển đồng đều của các môn thi đấu khi liên tục "gặt vàng" ở các môn rowing, điền kinh. Thế nhưng, chừng đó không đủ để giúp Thái Lan duy trì sự bám đuổi với đoàn chủ nhà Việt Nam. Ở những môn mà Việt Nam thống trị cả thế giới như đá cầu, thể hình… các VĐV chủ nhà gần như ẵm trọn ngôi vị cao nhất ở các nội dung. Đặc biệt, ở môn đá cầu, 5 nội dung kết thúc thì Việt Nam không cho đối thủ giành bất cứ HCV nào.
Ở ngày thi đấu thứ 4 này, Đinh Văn Đức và Nguyễn Thị Thanh Nguyệt là người giành HCV ở môn đá cầu. Trong khi đó, ở môn thi đấu cuối ngày là thể hình, lần lượt Phạm Kim Ngân, Nguyễn Hải Âu, Sa Pha và Mai Xuân Thức giành 4 HCV đầu tiên.
Đá cầu và thể hình là hai môn mà Việt Nam gần như không có đối thủ. (Ảnh: P.N) |
Pencak Silat cũng nối tiếp đá cầu khi thống trị ở hai nội dung đơn nam và đơn nữ. Ấn tượng nhất phải kể đến môn bóng gỗ khi các VĐV nữ đã xuất sắc vượt qua Trung Quốc để giành HCV nội dung Fairway đồng đội.
Vũ Thị Mến là người giành HCV thứ 10 cho Việt Nam trong ngày thi đấu 28/9 ở môn điền kinh với nội dung nhảy xa ba bước.
Thật bất ngờ khi ABG5 đã đi hết một nửa chặng đường thế nhưng những đoàn thể thao mạnh ở châu lục là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc lại bị Việt Nam và Thái Lan vượt mặt dễ dàng. Đặc biệt, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chưa có bất kì tấm HCV nào, trong khi Trung Quốc chỉ xếp thứ 3 với vỏn vẹn 8 HCV.
Đây không hẳn là tín hiệu vui bởi ABG không được tính là thể thao thành tích cao. Trong khi đó, Việt Nam lại đưa rất nhiều môn thế mạnh từ trong nhà ra bãi biển như đá cầu, thể hình vào thi đấu. Đó là chưa kể những môn như vovinam, vật, võ cổ truyền Việt Nam chưa khởi tranh.
Với 28 HCV giành được, thể thao Việt Nam bỏ xa Thái Lan tới 4 HCV và ngôi vị đầu bảng khó thoát khỏi tay chủ nhà mặc dù còn 4 ngày nữa, ABG5 mới kết thúc.