📞

Bội chi ngân sách năm 2016 nhiều khả năng thấp hơn dự toán

08:38 | 30/12/2016
Với số bội chi trung bình 520 tỷ đồng/ngày, mức bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) cả năm 2016 có khả năng sẽ vào khoảng 200.000 tỷ đồng, nhiều khả năng số bội chi năm 2016 sẽ thấp hơn dự toán.

Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) vừa công bố tình hình thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN), tính đến hêt ngày 15/12/2016, với ước tính số bội chi ngân sách là trên 190.000 tỷ đồng. Cụ thể, tổng thu NSNN theo báo cáo đạt hơn 943,3 nghìn tỷ đồng, tổng chi đạt 1.135,5 nghìn tỷ đồng, số bội chi 190.000 tỷ đồng, tính ra mỗi ngày ngân sách hụt thu 520 tỷ đồng.

Bội chi đã giảm, song con số vẫn còn ở mức cao . (Nguồn: Kênh14)

Theo dự toán thu chi NSNN năm 2016 được Quốc hội duyệt và Quyết định số 2643 của Bộ Tài chính, số bội chi cả năm nay ở mức 254.000 tỷ đồng (khoảng 4,95% GDP).

Nếu tính trung bình, số bội chi 520 tỷ đồng/ngày, 15 ngày cuối năm, số bội chi cả năm sẽ đạt ngưỡng 200.000 tỷ đồng, thấp hơn 54.000 tỷ đồng so với dự toán được Quốc hội phê duyệt và Bộ Tài chính giao.

Theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế, tỷ lệ bội chi năm 2016 đã thấp hơn nhiều so với dự toán năm và giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015 (khi NSNN bội chi 256.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, không nên vội mừng vì con số này vẫn cao, đặc biệt tỷ lệ chi NSNN khu vực công, hành chính vẫn chưa được giảm rõ rệt. Trong khi đó, chi cho đầu tư, trả nợ vẫn còn thấp.

Điều đáng nói là trong số thu ngân sách, hầu hết khoản thu năm 2016 tính đến hết ngày 15/12 đã gần đạt dự toán được giao, trong đó thu thuế nội địa đạt 94,9%; thu hải quan (hoạt động xuất nhập khẩu) đạt 90,8%. Còn thu từ dầu thô năm 2016 tiếp tục trồi sụt đạt 90% dự toán do giá dầu thô diễn biến thất thường, có xu hướng giảm.

Theo dự toán về số thu năm 2016 là 1.014,5 nghìn tỷ đồng, số thu còn lại sẽ phải thực hiện là khoảng 71.200 tỷ đồng trong khi đó, tổng chi ngân sách thực tế mới chỉ đạt 89,2% so với dự toán đề ra, tức là còn gần 10% dự toán chi nữa cần hoàn thành.

Mặt khác, mới đây, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã phát đi thông báo về tình hình thu ngân sách của ngành, trong đó ước thu tính đến hết ngày 25/12 đạt 261.490 tỷ đồng. Tính các phương án số thu bình quân và thu vượt mức/ngày trong 5 ngày cuối năm 2016, số thu ngân sách ngành Hải quan có thể sẽ hụt thu từ 2.200 tỷ đến 5.000 tỷ đồng. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là năm đầu tiên, ngành Hải quan thất thu kể từ khi mở cửa, xóa bỏ nhiều loại thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo các hiệp ước thương mại với các nước.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận, việc giảm con số bội chi được đánh giá là nỗ lực và quyết tâm lớn của Chính phủ trong thắt chặt đầu tư công, lập kỷ cương chi và sử dụng nguồn vốn ngân sách phân bổ cho các địa phương, bộ ngành.

Dù tỷ lệ bội chi có giảm nhưng số chi thường xuyên, chi cho đơn vị sự nghiệp hiện vẫn quá lớn so với chi cho đầu tư phát triển, trả nợ. Hơn nữa, số chi thường xuyên chủ yếu tập trung vào chi trả lương cán bộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Điều này đặt ra việc cần thiết phải tinh giảm bộ máy điều hành, cơ quan hành chính, giảm biên chế, phụ thuộc tiền ngân sách.

Thực tế, theo báo cáo số chi của Tổng cục Thống kê, số chi cho sự nghiệp phát triển kinh tế, quản lý hành chính, quốc phòng an ninh vẫn chiếm lượng ngân sách khổng lồ với khoảng 786.000 tỷ đồng, chiếm gần 70%. Trong khi đó, các khoản chi trả nợ, đầu tư vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong phân bổ vốn của ngân sách. Cụ thể, chi trả nợ năm 2016 vào khoảng 150.000 tỷ (chiếm 13%); chi đầu tư phát triển là 190.000 tỷ đồng (chiếm 16,7%) tổng chi của ngân sách.

(theo Dân Trí)