📞

Bolivia hậu ông Morales: Rối trong rối ngoài

Minh Vương 09:05 | 20/11/2019
TGVN. Số phận của đất nước Bolivia sau khi Tổng thống Evo Morales từ chức đang trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.
“Rối” có lẽ là từ chính xác nhất để mô tả tình trạng hiện nay của quốc gia Nam Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Đụng độ giữa những người ủng hộ cựu Tổng thống Evo Morales và cảnh sát, quân đội đang diễn biến theo chiều hướng bạo lực và khó kiểm soát. Bất ổn trong nhiều tuần cùng tình trạng bị cô lập khiến nguồn cung thực phẩm, giá cả leo thang tại những thành phố lớn như La Paz, El Alto, Cochacamba, Santa Cruz, Potosi, Oruro và cả thủ đô Sucre. “Rối” có lẽ là từ chính xác nhất để mô tả tình trạng hiện nay của quốc gia Nam Mỹ.

Sucre bối rối

Trong khi đó, Quốc hội và Tổng thống lâm thời Jeannie Anez chưa thể tìm kiếm giải pháp ổn định tình hình. Ngay khi tuyên thệ trở thành nguyên thủ quốc gia, cựu Phó Chủ tịch Thượng viện khẳng định sẽ thống nhất và khôi phục đất nước theo con đường dân chủ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, động thái xây dựng nội các gồm chính trị gia bảo thủ theo Thiên Chúa giáo, chống ông Morales, khôi phục các nghi lễ Thiên chúa giáo tại sự kiện công cộng, cắt đứt liên minh với các chính phủ cánh tả trong khu vực và khước từ tổ chức bầu cử sớm đang cho thấy điều ngược lại.

Những động thái trên không khiến người dân an lòng mà ngược lại, thổi bùng xung đột sắc tộc giữa cư dân bản địa và bộ phận người gốc châu Âu. Đây là mâu thuẫn đã tồn tại xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất nước Nam Mỹ. Dưới thời Tổng thống bản địa đầu tiên của Bolivia, ông Evo Morales, nó không hề nguội lạnh mà cháy âm ỉ, để giờ đây bùng phát thành ngọn lửa không thể kiểm soát. Phe ủng hộ ông Morales, bao gồm cư dân bản địa hay nông dân trồng cacao từng kề vai sát cánh trong phong trào đấu tranh năm nào, chắc chắn không đứng nhìn nhà lãnh đạo của mình ra đi.

Đổi lại, phe bảo thủ Thiên chúa giáo, sau bao năm chật vật dưới nhiệm kỳ của ông Morales, muốn xây dựng và củng cố vị thế dẫn dắt trên chính trường Sucre. Khi hai bên từ chối nhượng bộ và tiếng nói chung không tồn tại, xung khắc dẫn đến bạo loạn là điều khó tránh khỏi.

Nga - Mỹ lạ lùng

Song đó chưa phải là tất cả. Phản ứng của Nga và Mỹ, hai người chơi lớn trong khu vực Mỹ Latinh với diễn biến Bolivia cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Ở Caracas, trong khi Moscow duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ với Tổng thống Nicolas Maduro về kinh tế và quân sự, Washington tiếp tục các nỗ lực giúp đỡ nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido trở thành thế lực mới nắm quyền kiểm soát Venezuela.

Tuy nhiên, Bolivia lại là câu chuyện khác – cả Nga và Mỹ đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống lâm thời Jeannie Anez. Ngày 14/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington “ca ngợi bà Jeannie Anez đã có bước đi dũng cảm, trở thành Tổng thống lâm thời để dẫn dắt đất nước qua giai đoạn chuyển giao sang quá trình dân chủ, theo hiến pháp của Bolivia”. Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov thông báo, Moscow công nhận nghị sĩ đối lập Jeanine Añez là Tổng thống lâm thời của Bolivia và mong tình hình tại quốc gia Nam Mỹ sớm ổn định.

Phản ứng của Venezuela lại không nồng ấm như vậy. Ngày 13/11, Bộ Ngoại giao Venezuela cáo buộc Thượng nghị sĩ Anez đã “tiếm quyền”: Việc bà Anez tự xưng làm Tổng thống lâm thời là vi hiến, khi thiếu số lượng đại biểu cần thiết, đặc biệt là các Nghị sỹ thuộc liên minh Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS) ủng hộ ông Morales.

Cuba cũng phản đối sự hiện diện của bà Jeannie Anez trên cương vị người đứng đầu nhà nước và lên án các hành động mang tính thù địch, tuyên bố sẽ rút các cán bộ, nhân viên y tế Cuba đang thực hiện nhiệm vụ tại Bolivia về nước.

Truyền thông mông lung

Trong khi đó, giới truyền thông quốc tế cũng đang tỏ ra mông lung trong việc định nghĩa sự ra đi của ông Morales. Trước khi ông Morales từ chức, lãnh đạo quân độ nước này đã xuất hiện trên truyền hình, kêu gọi ông từ bỏ quyền lực và chịu sự quản lý của lực lượng này. Bình thường, những hành động như vậy thường được truyền thông quốc tế coi là “đảo chính”.

Tuy nhiên, trong các ấn phẩm có đề cập đến tình hình Bolivia, các tờ báo hay tạp chí lớn như ABC News, CBS News, New York Times, CNN, Miami Herald, Time, BBC… đều không cho rằng ông Morales phải từ chức vì một âm mưu đảo chính. Thay vào đó, họ nhấn mạnh rằng cựu lãnh đạo Bolivia đã hạ đài vì không được ủng hộ sau cuộc bầu cử gây tranh cãi. Khi ấy, cụm từ “đảo chính” chỉ xuất hiện từ phe ủng hộ ông Morales hay tờ báo, hãng truyền thông theo xu hướng cánh tả.

Song các nghiên cứu và thông tin khác chứng minh điều ngược lại. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR), trụ sở tại Washington công bố ngày 19/11 cho thấy kết quả bầu cử Bolivia là chính xác, đồng nhất với số phiếu được kiểm. Thông tin này, cùng nhiều diễn biến bên lề như các cuộc bắt cóc và tra khảo quan chức được bầu, vụ lục soát nhà ông Morales, công trình công cộng và lá cờ bản địa Wiphala bị đốt đều không được đề cập trên truyền thông.

Những diễn biến trái ngược, các quan điểm đối lập cũng uẩn khúc chưa được giải đáp khiến câu hỏi về tương lai Bolivia trở nên khó trả lời hơn. Điều duy nhất chắc chắn là chỉ người dân Bolivia mới có quyền tự quyết về số phận của đất nước mình.