Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ được nhận định có thể tiếp tục làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vốn đã "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt".
Cuộc chiến thương mại được ông Trump châm ngòi vào năm 2018 do ông không chấp thuận các quy tắc thương mại hiện hành, dẫn đến một loạt các lệnh trừng phạt thuế quan đối với Trung Quốc, cùng với đó là phản ứng trả đũa từ Bắc Kinh.
Kể từ thời điểm đó, cuộc chiến thương mại đã lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác từ công nghệ, đầu tư, tài chính... dẫn đến xu hướng "tách rời" của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tác động tích lũy của mức thuế quan 60% sẽ gây thiệt hại lớn hơn gấp bội nếu Bắc Kinh không đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời. (Nguồn: SCMP) |
Trung Quốc có thể là quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất
Ông Trump rất thích dùng từ thuế quan - từ mà ông gọi là "đẹp nhất trong từ điển" và ông cũng thường xuyên sử dụng từ này trong chiến dịch tranh cử. Tổng thống đắc cử Mỹ tin rằng, các biện pháp thuế quan có thể giúp thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ, mang lại việc làm trong lĩnh vực sản xuất và chi trả cho các khoản cắt giảm thuế lớn mà ông đã hứa với cử tri.
Các chuyên gia kinh tế lo ngại, mức thuế quan 60% của Mỹ đối với các sản phẩm, hàng hóa của Trung Quốc, và mức thuế từ 10 đến 20% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu khác, có thể làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu vốn đã có dấu hiệu trì trệ.
Tin liên quan |
Ông Trump giành chiến thắng bầu cử Mỹ, 'cơn ác mộng' thuế quan trở lại, Trung Quốc lo? |
Tệ hơn nữa, những phản ứng trả đũa có thể xảy ra từ các đối tác thương mại lớn sẽ làm trầm trọng thêm, thậm chí vượt xa những thiệt hại của cuộc chiến thương mại 2018-2019, và sẽ không có bên nào chiến thắng. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ là quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất nếu các biện pháp đề xuất được ban hành đầy đủ.
Một cuộc thăm dò gần đây của Reuters tập hợp ý kiến của các nhà kinh tế cho thấy, ngay cả việc thực hiện một phần các khoản thuế theo kế hoạch cũng có thể làm giảm mức tăng trưởng năm 2025 của Trung Quốc xuống một phần trăm. Tác động tích lũy của mức thuế quan 60% sẽ gây thiệt hại lớn hơn gấp bội nếu Bắc Kinh không đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời.
Đây chắc chắn là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với một nền kinh tế vốn vẫn đang chao đảo vì sự sụp đổ của thị trường nhà ở và những cú sốc hậu đại dịch.
Xuất khẩu là một trong số ít động lực tăng trưởng tích cực, nhưng một cuộc chiến thuế quan mới đang rình rập có thể dập tắt hoàn toàn động lực này. Triển vọng kinh tế và thị trường của Trung Quốc năm 2025 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của môi trường bên ngoài, cùng với phản ứng của Bắc Kinh đối với những biến động đó.
Đâu là lựa chọn của Bắc Kinh?
Chính quyền Trung Quốc có một số lựa chọn để giảm thiểu hoặc làm chệch hướng tác động của thuế quan.
Lựa chọn đầu tiên là thông qua đàm phán thương mại - một biện pháp mà Bắc Kinh đã có một số thành công với việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Việc Tổng thống đắc cử Mỹ bổ nhiệm ông Howard Lutnick và ông Jamieson Greer để giám sát chương trình nghị sự thương mại thay vì nhân vật quen thuộc hơn là ông Robert Lighthizer có thể tạo ra một số bất ổn về cách thực hiện các chính sách này. Tuy nhiên, việc ông Lutnick công khai mô tả thuế quan là "con bài mặc cả" hé lộ những phạm vi nhất định để Bắc Kinh đàm phán thoát khỏi kịch bản xấu nhất.
Thứ hai là hạ giá đồng NDT - biện pháp đã giảm thiểu thiệt hại do thuế quan trong năm 2018-19. Ngân hàng JPMorgan dự báo NDT sẽ mất giá 10-15% so với USD, để đối phó với thuế nhập khẩu. "Dù vậy, mức giảm này thấp hơn nhiều so với dự báo 28-30% trong trường hợp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) lặp lại cách tiếp cận năm 2018-2019", JPMorgan nhận xét.
Tin liên quan |
Báo Mỹ: Lo ngại vấn đề Đài Loan leo thang, Trung Quốc học Nga cách chống lệnh trừng phạt của phương Tây |
Khi đó, PBOC cho phép NDT yếu đi đáng kể, để bù đắp việc ông Trump nâng thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc từ 3% lên 20%. Bằng cách không cản trở thị trường, Bắc Kinh thực sự muốn để đồng tiền của mình hoạt động như một bộ giảm xóc, giúp các nhà xuất khẩu vượt qua cơn bão.
Định tuyến lại luồng thương mại có thể là một lựa chọn cần cân nhắc. Việc phân bổ sản xuất trên khắp các địa điểm được miễn thuế bổ sung, ví dụ như Đông Nam Á và Mexico, đã giúp một số công ty Trung Quốc lách được các hạn chế của Mỹ trong những năm gần đây.
Một mức thuế chung đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ sẽ khiến việc tránh thuế hoàn toàn trở nên bất khả thi, nhưng việc điều hướng về mức thuế 10-20% thay vì 60% vẫn là bài toán kinh tế cần xét đến đối với các công ty Trung Quốc muốn duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ.
Đe dọa trả đũa có thể là một chiến thuật răn đe. Ngoài việc trả đũa về thuế quan, Bắc Kinh có thể hạn chế xuất khẩu các sản phẩm thiết yếu mà Mỹ đang phải phụ thuộc vào Trung Quốc.
Gần đây, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu sang Mỹ các khoáng sản quan trọng, theo đó "về nguyên tắc" cấm tất cả các hoạt động xuất khẩu gali, germani, antimon và vật liệu siêu cứng. Việc hạn chế các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc cũng có thể gây áp lực buộc nền kinh tế số một thế giới phải cân nhắc khi tính đến bất cứ kế hoạch thuế quan nào. Đây có thể không phải là "công cụ ưa thích" của Bắc Kinh vì quốc gia này vẫn yêu thích và quan tâm đến thu hút đầu tư nước ngoài, tuy nhiên đây vẫn là một lựa chọn có thể được đề xuất.
Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, Bắc Kinh có thể thúc đẩy nhu cầu trong nước để bù đắp cho sự giảm sút về xuất khẩu. Đây có thể là chiến lược phù hợp, hiệu quả và bền vững nhất để giúp nền kinh tế chống chọi với cú sốc thuế quan.
Bắc Kinh có thể thúc đẩy nhu cầu trong nước để bù đắp cho sự giảm sút về xuất khẩu. (Nguồn: AP) |
Xuất khẩu tính theo tỷ trọng GDP đã giảm từ mức đỉnh điểm gần 40% xuống dưới 20% vào năm 2023. Những thay đổi này phản ánh sự phát triển của Trung Quốc theo hướng nền kinh tế tự chủ hơn với sự thúc đẩy từ trong nước. Tập trung vào nhu cầu trong nước sẽ tối đa hóa tác động của các nỗ lực kích thích ngắn hạn của Bắc Kinh, cùng với lợi ích dài hạn từ việc thúc đẩy tái cân bằng kinh tế.
Gia tăng nội lực của nền kinh tế cũng có thể giúp Bắc Kinh hạn chế đáng kể những thiệt hại thương mại từ các biện pháp thuế quan. Việc phụ thuộc quá nhiều vào việc hạ giá đồng NDT, định tuyến lại thương mại và trả đũa có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng hiện tại và leo thang cuộc chiến thuế quan. Thậm chí, những biện pháp này có thể gây ra các tranh chấp mới xung quanh việc thao túng tiền tệ, kéo dài cuộc chiến trên mặt trận kinh tế.
Chưa kể, sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể thúc đẩy giá hàng hóa và năng lượng toàn cầu, tạo ra các xung lực lạm phát, từ đó hạn chế hiệu quả luồng thuế quan từ Mỹ.
Nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, thị trường lao động biến động, lạm phát cao kéo dài... có thể là "gót chân Achilles" của nền kinh tế Mỹ vốn đang phục hồi mạnh mẽ. Và ông Trump đã lợi dụng sự thất vọng của các cử tri về tình trạng lạm phát để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Tổng thống thứ 47 của Mỹ rất có thể sẽ duy trì niềm tin đó bằng cách tiếp tục các chính sách thuế quan khi nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng nóng.
Giới phân tích nhận định, Bắc Kinh có nhiều công cụ để giải quyết những thách thức kinh tế đang rình rập. Giải pháp hiệu quả và bền vững nhất là cơ cấu lại nền kinh tế, phục hồi nhu cầu trong nước. Mặc dù những thay đổi chính sách gần đây cho thấy các nhà chức trách Trung Quốc đang dần đi đúng đường nhưng Bắc Kinh sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa nền kinh tế vượt qua vùng biển động.
| Tận dụng nợ công 'khủng' của Mỹ, Trung Quốc tham vọng dùng vàng để 'hạ gục' đồng USD Trung Quốc đang dần từ bỏ các tài sản được định giá bằng đồng USD để chuyển sang vàng - một động thái hướng tới ... |
| Bầu cử Tổng thống Mỹ có đảo ngược 'thế trận' cuộc đua trong ngành năng lượng Mặt trời? Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang nỗ lực trong cuộc chiến bảo đảm tương lai của ngành năng lượng Mặt trời. Cuộc ... |
| Bầu cử Mỹ trước 'giờ G': 'Kỳ phùng địch thủ' Trung Quốc vẫn gia tăng sức ảnh hưởng, chiến lược châu Á sẽ được định hình ra sao? Chỉ còn 2 ngày nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầy kịch tính và các chuyên gia đang cố gắng tìm hiểu ... |
| Chủ tịch Tập Cận Bình nhắn nhủ gì tới ông Trump trong thông điệp chúc mừng? Tân Hoa xã đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thông điệp chúc mừng tới Tổng thống Mỹ mới đắc cử ... |
| Vũ khí laser chống UAV: Mặt trận nóng bỏng mới trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc Cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục trải rộng trên nhiều lĩnh vực khi hai siêu cường hàng đầu ... |