Tuyển nữ bóng chuyền Việt Nam lần đầu tiên giành hạng 4 Cúp châu Á 2012. |
Tháng 7, tại VTV Eximbank Cúp 2012 trên sân nhà Vĩnh Phúc, Tuyển nữ VN chỉ về hạng 4 sau khi để thua Tuyển Triều Tiên ở bán kết (BK) và thất thủ trước Ngân hàng Công thương Hàn Quốc trong trận tranh Giải ba.
Thành công ngoài mong đợi
Tháng 9, với “hành trang” ấy, các “chân dài” của chúng ta hành quân tới Almaty, Kazakhstan để dự Cúp bóng chuyền nữ châu Á 2012, nơi quy tụ 8 đội tuyển quốc gia hàng đầu châu lục gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Kazakhstan, Việt Nam, Iran và Đài Loan (Trung Quốc).
Trước Giải, chẳng ai tin tuyển nữ VN có thể làm nên chuyện tại Almaty. Thế nhưng, cũng vẫn với những Ngọc Hoa, Kim Huệ, Đỗ Thị Minh, Phạm Thị Yến, Nguyễn Thị Xuân…, đội Tuyển của chúng ta đã lập nên một kỳ tích khi đánh bại Á quân châu Á, HCĐ Olympic 2012 Nhật Bản (dù toàn cầu thủ trẻ) ở vòng bảng và đội hạng 4 Olympic London với thành phần mạnh nhất - tuyển Hàn Quốc, để vào BK.
Tự tin là chìa khóa thành công
Xưa nay, tâm lý vẫn là một trong những khâu yếu nhất của tuyển nữ VN. Các tuyển thủ của ta thường chơi tốt set đầu tiên, nhưng càng về sau càng đi xuống. Riêng kỳ dự Cúp châu Á năm nay thì ngược lại. Trong cả hai trận gặp NB và HQ, tuyển VN đều thua set 1, nhưng sau đó vùng lên mạnh mẽ và có màn rượt đuổi ngoạn mục trước khi giành chiến thắng chung cuộc. Dường như rũ bỏ được tâm lý tự ti vốn thường có mỗi khi xung trận, lần này các cô gái của chúng ta không hề tỏ ra sợ hãi, thi đấu đầy tự tin và giành chiến thắng một cách thuyết phục. Hai chiến thắng kể trên là bằng chứng về sự tiến bộ vượt bậc về tâm lý, và quan trọng hơn, nó chứng tỏ thực lực của tuyển VN không hề yếu hơn so với đối thủ. Từ đây, có thể rút ra bài học rằng, nếu vào trận với sự tự tin cao độ và tâm lý thoải mái, tuyển VN hoàn toàn có thể làm được điều mà trước nay cả VĐV lẫn HLV vẫn cho là không tưởng!
Cần một cuộc cách mạng trong lối chơi
Để thắng được những đội có chiều cao và thể hình vượt trội, chỉ có một con đường duy nhất là thay đổi căn bản lối chơi. Hãy nhìn sang đội láng giềng Thái Lan. Chiều cao của cầu thủ nữ Thái Lan thấp hơn VN (cao nhất 1,80m, thấp nhất 1,72m, trung bình 1,76m; trong khi của đội VN: cao nhất 1,87, thấp nhất 1,72m; trung bình 1,78m). Vậy mà tuyển nữ Thái Lan vẫn thắng được những đội châu Âu, châu Mỹ với chiều cao vượt trội. Vậy đâu là bí quyết của tuyển Thái Lan? Đó chính là lối chơi phù hợp với thể hình của mình: đánh nhanh, đa dạng và biến hóa. Chỉ có lối chơi này mới có thể khắc chế được những hàng chắn cao, nhưng chậm chạp. Với cây chuyền hai xuất sắc, các cô gái Thái luôn thực hiện hoàn hảo những miếng tấn công nhanh, khi thì đập nhú, đập chồng, khi đập từ biên hay từ vị trí số 2 để đánh lừa hàng chắn đối phương.
Trong khi đó, lối chơi của tuyển VN vẫn còn khá đơn điệu, thiếu biến hóa. Minh chứng rõ nhất là trận tranh HCĐ gặp Kazakhstan. Nếu cứ nêu bóng rồi đập chính diện như Đỗ Thị Minh hay Phạm Thị Yến thì dù có uy lực đến mấy cũng chẳng khác nào đập vào một bức tường bê tông cao lừng lững của các cầu thủ với chiều cao trên dưới 1,9m!
Nâng cao thể lực và đào tạo gấp một cây chuyền 2 đẳng cấp
Trong bóng chuyền, cây chuyền 2 quyết định tới hơn 50% chiến thắng của toàn đội. Tuyển Nhật Bản thành công trong nhiều năm qua một phần quan trọng nhờ cây chuyền 2 xuất sắc đẳng cấp nhất TG Takeshita (dù chỉ cao 1,59m!). Đội tuyển Thái Lan cũng sở hữu một cây chuyền 2 gần tương tự. Tại Cúp châu Á vừa rồi, cây chuyền 2 Hà Thị Hoa của ta đã chơi rất xuất sắc và cống hiến hết khả năng, nhưng vóc dáng của chị hiện đã “đầy đặn” hơn, khiến những bước di chuyển không còn nhanh nhẹn như trước. Bởi vậy, cần gấp rút đào tạo một cây chuyền 2 trẻ đẳng cấp để kế cận đàn chị.
Các tuyển thủ VN khá yếu về hai kỹ năng: bắt bước 1 và phòng thủ dưới sân. Nguyên nhân là do thể lực không được dồi dào và tâm lý yếu . Bước 1 kém gây nhiều khó khăn cho cây chuyền 2 trong việc thực hiện những đường chuyền tấn công biến hóa. Hai kỹ năng này phải được cải thiện sớm và chỉ có được nếu tập gấp đôi, gấp ba lần bình thường, tức là khổ luyện, khổ luyện và khổ luyện!. Và muốn VĐV khổ luyện, thì đòi hỏi phải đầu tư quyết liệt hơn. Cụ thể, muốn tập nặng, phải có chế độ dinh dưỡng tốt và khoa học hơn; lương bổng phải cao hơn để VĐV toàn tâm toàn ý tập trung cho bóng chuyền.
XUÂN HỒNG