Đó thực sự là điều đáng tự hào với bóng đá châu Á. Họ đang vươn mình, chứ không còn tới dự World Cup với thân phận của “tí hon”.
1. Có chi tiết đáng chú ý. Theo bình chọn đội hình tiêu biểu vòng bảng World Cup 2018 của BBC, có ba cầu thủ châu Á góp mặt, đó là thủ thành Cho Hyun-woo (Hàn Quốc), tiền đạo Son Heung Min (Hàn Quốc) và tiền vệ Honda (Nhật Bản). Con số ấy còn hơn cả Nam Mỹ với 2 đại diện là Godin (Uruguay) và Carrillo (Peru).
Hàn Quốc đã tạo nên cú sốc lớn khi đánh bại Đức. (Nguồn: Dân trí) |
Tất nhiên, mọi đội hình tiêu biểu đều… tranh cãi. Nhiều quan điểm cho rằng thiếu người này, cần loại người kia. Nhưng rõ ràng, sự ghi nhận của báo giới cho thấy tiến bộ của bóng đá châu Á ở đấu trường World Cup.
Trước đây, bóng đá châu Á vẫn bị xem là “vùng trũng”. Chẳng nói đâu xa, ở World Cup 2014, cả 4 đại diện của châu Á là Nhật Bản, Australia, Iran và Hàn Quốc đều xếp cuối bảng (Australia thua cả 3 trận, ba đội còn lại giành được 1 điểm). Nhưng họ đã thực sự vươn mình ở giải đấu năm nay.
Nếu xét về thành tích, việc chỉ có duy nhất Nhật Bản đi tiếp không phải là điều gì đáng để tung hô. Thậm chí, ở World Cup 2010 và 2002, châu Á đều có hai đội vượt qua vòng bảng (đều là Nhật Bản và Hàn Quốc). Điều đáng nói ở chỗ, bóng đá châu Á đã dần thu hẹp khoảng cách về trình độ với các đại diện ở châu Âu hay Nam Mỹ.
2. Sau chiến thắng 7-1 trước Brazil ở World Cup 2014, tờ Bild (Đức) đã sử dụng dòng tít: “Cạn lời” để ca ngợi chiến tích của đội tuyển Đức. Bốn năm sau, họ buộc sử dụng dòng tít tương tự. Nhưng lần này, họ đang nói đến “thảm kịch” lớn nhất lịch sử bóng đá nước này.
Đội đã khiến cả nước Đức chìm trong bầu không khí tang tóc chính là Hàn Quốc. HLV Shin Tae-yong đã thừa nhận rằng “Hàn Quốc chỉ có 1% cơ hội chiến thắng trước Đức”. Nhưng cuối cùng, 1% nhỏ nhoi ấy đã diễn ra. Những người Hàn Quốc đã chiến đấu bằng giọt mồ hôi, máu và nước mắt để đổi lấy khoảnh khắc lịch sử ấy.
Người ta mô tả chiến thắng của Hàn Quốc trước Đức chẳng khác gì CHDCND Triều Tiên quật ngã Italy ở vòng bảng World Cup 1966. Dù bị loại nhưng những người Hàn Quốc vẫn có quyền tự hào. Đó tựa như lời khẳng định của bóng đá châu Á.
Nhật Bản đã thi đấu đầy quả cảm ở World Cup 2018. (Nguồn: Dân trí) |
Nhật Bản thậm chí còn làm nhiều hơn thế, đó là vượt qua vòng bảng (gồm các đối thủ Senegal, Ba Lan và Colombia). Họ cũng là đại diện châu Á đầu tiên giành chiến thắng trước đội bóng ở Nam Mỹ trong lịch sử World Cup khi vượt qua Colombia ở lượt đấu đầu tiên.
Dù cho nhiều quan điểm chỉ trích Nhật Bản về việc “đá ma” câu giờ trong thời gian cuối trận đấu với Ba Lan nhưng có lẽ, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được sự khắc nghiệt của cuộc chơi. Ở đó, chỉ một bàn cũng đủ xoay chuyển cục diện. Như HLV Akira Nishino cũng phải thừa nhận rằng Nhật Bản không còn sự lựa chọn nào khác. Họ buộc phải chơi như vậy để bảo toàn tấm vé lọt vào vòng đấu sau.
Tất nhiên, sự cố ấy không thể làm lu mờ tinh thần Nhật Bản. Họ đã tạo dấu ấn với tinh thần của những chiến binh Samurai. Điều đó đã giúp họ vượt qua thời khắc khó khăn như bị Colombia dồn ép ở cuối hiệp 1 hay để Senegal hai lần vượt lên dẫn trước. Trên hết, đó là chiến công đáng khen ngợi của đội tuyển xứ Mặt trời mọc.
Người ta cũng có thể tiếc nuối dành cho Iran. Giá như chính xác hơn trong cú dứt điểm ở phút bù giờ, Iran đã cầm vé đi tiếp (chứ không phải Bồ Đào Nha). Iran đã chơi một cách đầy quả cảm và hợp lý ở bảng đấu gồm hai “ông kẹ” là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Trong cả hai cuộc đối đầu với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Iran đều khiến đối thủ này toát mồ hôi hột với lối chơi phòng ngự, phản công vô cùng hợp lý. Thậm chí, thày trò HLV Carlos Queiroz đều đã có cơ hội nguy hiểm thực sự, khiến cho hai “ông kẹ” châu Âu phải thót tim.
Trong khi đó, Saudi Arabia dù bị loại nhưng cũng có lời chia tay giải đấu với chiến thắng trước Ai Cập, còn Australia đã khiến người Pháp thực sự khó khăn.
Iran đã khiến Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha toát mồ hôi hột. (Nguồn: Dân trí) |
3. Thế giới bóng đá đang chuyển dịch theo hướng hiện đại hơn, tức thiên về chiến thuật và toan tính. Bóng đá châu Á cũng vậy. Trong những năm qua, họ đã xây dựng bóng đá một cách đầy khoa học, khi chấp nhận bỏ nhiều tiền để đưa chiến lược gia tài ba về để xây dựng hệ thống, định hình chiến thuật. Bên cạnh đó, nhiều cầu thủ châu Á cũng tiếp thu khá nhiều “văn minh” của bóng đá hiện đại châu Âu.
Ngay cả HLV bản địa (Nhật Bản, Hàn Quốc) cũng cập nhật xu thế mới. Điều đó khiến bóng đá châu Á bắt đầu thiên về chiến thuật, hơn là lối chơi ngây thơ như trước. Vì thế, thế giới bóng đá đang xích lại gần nhau về trình độ. Những đội bóng mạnh không còn dễ dàng “bắt nạt” đại diện châu Á như trước.
Với đà này, trong tương lai không xa, bóng đá châu Á hoàn toàn có thể chờ đợi bước tiến lớn hơn ở các kỳ World Cup tiếp theo. Còn giờ đây, những người châu Á đang hướng về cổ vũ cho đội tuyển Nhật Bản. Dù đội tuyển Bỉ đã thể hiện sức mạnh khủng khiếp nhưng nếu cứ chơi như vòng bảng, Nhật Bản hoàn toàn hy vọng tạo nên cú sốc tiếp theo (sau Hàn Quốc).