📞

Bóng đá Đông Nam Á: Một thế lực bóng đá mới?

Anh Quang 15:00 | 14/06/2020
TGVN. Sau hàng thập kỷ mòn mỏi với nền bóng đá “hoang dã”, bộc phát và thiếu tổ chức thì vài năm trở lại đây, bóng đá Đông Nam Á đã có những khởi sắc nhất định.  
Một góc sân Chang Arena của CLB lớn nhất Thái Lan Buriram United. (Nguồn: AFP)

Trước đây, các đội tuyển bóng đá quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chỉ đủ tầm thi đấu lẫn nhau chứ chưa đủ trình độ đấu với các đội tuyển lớn khác trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Iraq. Giờ đây đã khác. Bóng đá ASEAN đã và đang chứng kiến những cải thiện đáng kể, từ đội tuyển quốc gia cho đến chất lượng các giải đấu quốc nội.

Niềm đam mê mới

Tại Đông Nam Á, bóng đá không được coi là môn thể thao vua như nhiều nơi trên thế giới. Người dân ở đây thích chơi cầu lông và bóng chày hơn, bên cạnh đó là võ thuật và một số môn thể thao truyền thống khác mang bản sắc riêng của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, môn thể thao đầy kịch tính này đang ngày càng có chỗ đứng hơn trong trái tim người hâm mộ Đông Nam Á, một phần là nhờ vào các sáng kiến như giải đấu Premier League Asia Trophy.

Lần đầu tổ chức vào năm 2003, đây là giải đấu giao hữu diễn ra hai năm một lần vào mùa hè, với sự góp mặt của một số đội bóng xuất sắc nhất nước Anh và thu hút đông đảo người hâm mộ ở châu Á, nhất là các nước Đông Nam Á.

Cụ thể, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cùng với ba quốc gia châu Á khác chiếm một nửa trong số 1,6 tỷ người châu Á theo dõi các trận đấu của World Cup 2018. Có những nguồn tin cho rằng, ba quốc gia này sẽ hợp tác cùng Malaysia và Singapore để khởi động quá trình đấu thầu đăng cai World Cup 2034. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên năm quốc gia đồng tổ chức World Cup.

Có lo ngại rằng, việc tổ chức World Cup sẽ khiến các quốc gia chủ nhà bị lỗ nặng. Nhưng bù lại, World Cup là một dịp tốt để nâng cao vị thế của một quốc gia và rộng hơn là khu vực.

Là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với dân số 634 triệu, ASEAN hoàn toàn có khả năng làm được điều này và tận dụng bóng đá như một “quân bài” phát triển mọi khía cạnh của kinh tế, đặc biệt là du lịch.

Nâng tầm khu vực

Trước đây, những giải đấu khu vực, cụ thể là AFF Suzuki Cup, là sân chơi riêng của bốn đội tuyển Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Giờ đây, các quốc gia khác cũng đang cố gắng thu hẹp khoảng cách.

Ở Campuchia, các đội bóng lớn tại đây đang đẩy mạnh đầu tư vào bóng đá trẻ nhằm cải thiện nền bóng đá. Thực tế là cách tiếp cận này đã khá thành công ở một số nước trong khu vực.

Trong khi đó, CLB Global Makati FC của Philippines tiếp tục “chịu chơi” khi ký hợp đồng với hai cầu thủ trẻ, tốt nghiệp học viện bóng đá hàng đầu châu Âu của Liverpool (Suleman Naeem) và Manchester United (John Cofie).

Ngược lại, một số cầu thủ tại ASEAN đã và đang tìm kiếm cơ hội ở trời Âu. Hiện cầu thủ đắt giá nhất của Đông Nam Á là thủ môn Neil Etheridge, người Philippines, đang là thủ môn số một của CLB Cardiff City, thi đấu tại giải hạng Nhất Anh. Ước tính, giá trị chuyển nhượng của Etheridge lên tới 7,2 triệu euro.

Các đội bóng châu Âu cũng đang có sự quan tâm nhất định tới bóng đá ASEAN trong những năm gần đây. Anh là quốc gia đi đầu trong việc tìm kiếm những tài năng mới trong khu vực này. Liên đoàn bóng đá Anh năm 2015 đã cho khởi động chương trình “Mang cơ hội tới cộng đồng” để tăng cường sự hòa nhập của người Anh gốc Á. Tuy nhiên, sáng kiến này chưa tạo ra được nhiều kết quả tích cực.

Vẫn cần cải cách

Bóng đá châu Âu vẫn là nền bóng đá số một thế giới, tuy nhiên trong tương lai có thể không phải vậy. Biết đâu, với những khoản đầu tư khổng lồ, giải Super League của Trung Quốc sẽ trở thành giải đấu được nhiều người xem nhất chỉ trong vài năm tới đây.

Nhưng hiện tại, châu Âu vẫn là điểm đến sáng sủa nhất của một cầu thủ bóng đá, bất kể họ xuất phát từ đâu. Việc các cầu thủ có cho mình người đại diện đáng tin cậy và có kết nối tốt với các CLB hàng đầu châu Âu sẽ giúp cho các cầu thủ trẻ ở châu Á dễ được các nhà tuyển trạch để mắt tới nhiều hơn. Đó chỉ là một phép tính nhỏ trong một phương trình lớn, bởi công tác chuyển nhượng cầu thủ vốn đã đủ phức tạp ở trong nước, huống chi là cách nhau cả một châu lục.

Điều đó đặc biệt đúng với ASEAN, nơi mỗi quốc gia có một nền pháp luật khác biệt, nhiều khi khiến cho những phi vụ chuyển nhượng sang nước ngoài khó có thể xảy ra. Để những câu chuyện “thần tiên” như kiểu Son Heung Min có thể diễn ra trên quy mô lớn ở Đông Nam Á, các chính phủ cần phải hợp tác với các CLB để có những cải cách, tạo cơ hội cho các cầu thủ có tài có thể phát huy và trưởng thành trong một môi trường phù hợp, giúp họ phát triển được hết tiềm năng của mình.

Hiện tại, môi trường phù hợp đó là ở châu Âu. Nhưng biết đâu, trong một hoặc hai thập kỷ nữa, với sự bùng nổ của bóng đá Đông Nam Á nói riêng, và kinh tế ngày một lớn mạnh của ASEAN nói chung, môi trường đó lại chính là ở đây chứ không phải là ở một đất nước xa xôi nào...

(theo ASEAN Economist)