Kinh tế Mỹ được dự đoán tiếp tục gặp nhiều thách thức trong bối cảnh lạm phát gia tăng. (Nguồn: FT) |
Lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng tốc?
Tốc độ tăng giá hàng hóa ở Mỹ dự kiến sẽ neo cao trong tháng 6, do chi phí năng lượng, thực phẩm và nhà ở cao hơn.
Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters thực hiện trong tuần qua, các nhà kinh tế dự đoán lạm phát trong tháng 6 tại Mỹ là 8,7%, tăng từ mức kỷ lục 8,6% của tháng trước. Tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến sẽ ở mức 1% trong tháng 6 so với tháng 5, do giá năng lượng cao hơn.
James Knightley, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế quốc tế tại công ty dịch vụ tài chính ING Financial Markets cho biết: “Lạm phát thực có thể sẽ tiếp tục tăng so với mục tiêu khi giá xăng dầu, thực phẩm, nhà ở và hàng không tiếp tục tăng”.
Tuy nhiên, lạm phát cơ bản, bao gồm các mặt hàng như thực phẩm và năng lượng, dự kiến sẽ tăng 0,5%, giảm so với mức tăng 0,6% của tháng trước.
Chuyên gia Knightley cho biết, sự chậm lại dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi động lực từ giá ô tô và quần áo đã qua sử dụng giảm nhẹ.
Ban đầu, lạm phát tại Mỹ được dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tháng 3 năm nay, sau khi chỉ số giá tiêu dùng giảm lần đầu tiên trong 8 tháng vào tháng 4, xuống 8,3%. Tuy nhiên, giá tiêu dùng tiếp tục tăng trong tháng 5, đạt mức 8,6% do giá năng lượng và thực phẩm cao hơn.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất vào tháng trước thêm 0,75 điểm phần trăm - mức cao nhất trong gần ba thập niên. Điều này có thể bắt đầu ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân.
Dữ liệu gần đây, bao gồm báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân tháng 5 và bản điều chỉnh số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý đầu tiên, cho thấy tiêu dùng cá nhân ở mức yếu.
Steve Englander, chiến lược gia trưởng tại ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Có những dấu hiệu rõ ràng chỉ ra rằng, giá cả hàng hóa, không bao gồm thực phẩm, năng lượng và ô tô, đang chịu áp lực, nhưng có tỷ trọng rất thấp trong chỉ số giá tiêu dùng, có lẽ là 10-15%”.
Chuyên gia Knightley nhận định, chi tiêu tiêu dùng chậm lại có thể sẽ không ảnh hưởng đến số liệu lạm phát tháng 6, nhưng niềm tin tiêu dùng yếu, lãi suất cao hơn và lạm phát ảnh hưởng đến sức mua có thể gây áp lực lên nhu cầu tiêu dùng trong những tháng tới.
GDP Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chiến lược Zero Covid-19
Vào khoảng giữa tháng 4/2022, ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura ước tính rằng, có tới 45 thành phố với 373 triệu dân của Trung Quốc đang bị phỏng tỏa do dịch Covid-19, trong khi cuộc sống của người dân ở Thượng Hải, trung tâm kinh tế quan trọng nhất của đất nước, trở nên bế tắc.
Với chính sách Zero Covid, người dân được yêu cầu ở trong nhà, mọi hoạt động học tập, sản xuất, kinh doanh đều bị dừng lại.
Do diễn biến của dịch Covid-19, nhiều nơi trong số các địa phương trên đã phải kéo dài lệnh phong tỏa đến tháng 5. Việc này đã khiến các ngân hàng toàn cầu cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP hằng năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong bối cảnh phong tỏa để phòng chống dịch, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã cảnh báo, quốc gia Đông Bắc Á có thể phải vật lộn để đạt được mức tăng trưởng trong quý II năm nay theo mục tiêu đã đề ra.
Và trong khi mối lo ngại về giảm tăng trưởng bao trùm, các nhà phân tích đồng thuận về mức dự báo GDP quý II/2022 ở mức 1,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc.
Các nhà phân tích nói thêm rằng, tốc độ chậm lại sẽ được giảm bớt bởi sự phục hồi kinh tế do một số cơ sở sản xuất quan trọng của nước này hoạt động trở lại trong tháng 6 khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng.
Công nhân mặc đồ bảo hộ đi thang máy khi họ khử trùng khu dân cư bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 18/5. (Nguồn: Reuters) |
Các chuyên gia thuộc ngân hàng Mỹ Goldman Sachs nhận định: “GDP tháng 6 có khả năng tăng trưởng mạnh hơn, nhưng với mức tăng rất chậm trong tháng 4 và chỉ phục hồi khiêm tốn vào tháng 5, do các biện pháp phong tỏa phòng dịch nghiêm ngặt, tăng trưởng GDP trong quý II/2022 của Trung Quốc có thể sẽ chậm lại đáng kể so với quý đầu tiên”.
Nhìn về tương lai, câu hỏi đặt ra là liệu nước này có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng hằng năm là 5,5% hay không?
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng, đây là một con số quá tham vọng, ngay cả khi Bắc Kinh thành công trong chiến lược phòng dịch và tiếp tục theo đuổi chính sách Zero Covid-19.
Nền kinh tế Anh dự kiến sẽ đi ngang
Theo cuộc thăm dò của Reuters, các nhà kinh tế dự đoán, GDP của Anh sẽ không thay đổi trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 khi số liệu được công bố vào thứ Tư tới. Đây sẽ là tháng thứ tư liên tiếp xứ sở sương mù ghi nhận không tăng trưởng.
Sandra Horsfield, nhà kinh tế tại tập đoàn dịch vụ tài chính Investec, cho biết: “Có khả năng chi phí sinh hoạt tăng tiếp tục tác động đến nền kinh tế Anh”.
Đồng thời, theo bà, tác động tiêu cực của việc tăng giá khó có thể được bù đắp bởi khả năng phục hồi trong lĩnh vực sản xuất khi chỉ số này tăng yếu ớt vào tháng 4.
Sang tháng 5, người tiêu dùng Anh không chỉ phải đối mặt với lạm phát cao nhất trong 30 năm mà còn phải gặp khó khăn do sự gia tăng mức đóng bảo hiểm. Do đó, số liệu bán lẻ chính thức đã cho thấy người tiêu dùng kiềm chế chi tiêu.
Ông George Buckley, nhà kinh tế học tại ngân hàng Nomura lưu ý rằng, trong khi các lĩnh vực khách sạn và giải trí có thể tiếp tục phục hồi hậu Covid-19, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vẫn chưa ghi nhận tín hiệu tích cực.
Bức tranh tổng thể là sự kết hợp tồi tệ nhất giữa giá hàng hóa tăng và hoạt động giảm kể từ những năm 1970, và tăng trưởng kinh tế có khả năng xấu đi trong những tháng tới.
Huw Pill, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Anh, nhận định rằng: “Sức ép từ giá năng lượng và hàng hóa tăng cao sẽ làm giảm nhu cầu trong nước, và cuối cùng dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao hơn”.
Chuyên gia Horsfield dự báo, nền kinh tế Anh sẽ suy thoái vào cuối năm nay và sang quý đầu tiên của năm sau do áp lực lạm phát mạnh và lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, bà nói thêm, “sức mạnh của bảng cân đối kế toán của người tiêu dùng và ngân hàng cho chúng tôi hy vọng suy thoái kinh tế sẽ tương đối nhẹ, với điều kiện các dòng khí đốt của Nga sang châu Âu vẫn chảy”.