📞

'Bóng ma' nguồn cung dầu khí đe dọa, Tổng thống Mỹ 'quên' cam kết đề ra khi tranh cử?

Chu Văn 08:39 | 02/07/2022
Tờ Washington Post ngày 1/7 cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mở cửa cho nhiều hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi tại vùng biển liên bang trong vòng 5 năm tới, đặt ra lộ trình khai thác nhiên liệu hóa thạch trong tương lai của Mỹ.

Chương trình nói trên đề cập hoạt động khoan dầu khí ngoài khơi từ năm 2023-2028.

Theo đó, Mỹ sẽ cấm hoạt động thăm dò dầu khí ở ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Tuy nhiên, việc để ngỏ khả năng khoan mới ở các khu vực của Vịnh Mexico và ngoài khơi Alaska, không phù hợp với cam kết của ông Biden đề ra trong chiến dịch tranh cử.

Giá dầu thô Brent giao tháng 9 kết thúc phiên giao dịch ngày 1/7 ở mức 111,63 USD/thùng, tăng 2,60 USD, tương đương 2,4%. (Nguồn: Investing)

Cũng theo Washington Post, kế hoạch này khiến nước Mỹ xa rời cam kết làm giảm một nửa tình trạng ô nhiễm của Mỹ vào năm 2030 so với mức năm 2005.

Kế hoạch được đưa ra trong bối cảnh chương trình nghị sự về khí hậu của Tổng thống Biden phụ thuộc đáng kể vào việc đảng Dân chủ có thể thông qua tại Thượng viện những chính sách mạnh mẽ về môi trường hay không.

Mối đe dọa mang tên “nguồn cung” này đang phủ bóng ma lên giá dầu, buộc giá dầu phải leo dốc bất chấp kỳ vọng rằng suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn thế giới.

Theo Reuters, giá dầu thô Brent giao tháng 9 kết thúc phiên giao dịch ngày 1/7 ở mức 111,63 USD/thùng, tăng 2,60 USD, tương đương 2,4%. Dầu thô WTI của Mỹ cũng chốt phiên ở mức khá cao là 108,43 USD/thùng, tăng 2,67 USD, tương đương 2,5%. Hai mặt hàng dầu WTI và Brent được giao dịch ở mức tương ứng khoảng 70% và 77% so với khối lượng của phiên trước đó, trước kỳ nghỉ lễ ngày 4/7 của Mỹ.

Giá dầu tăng bất chấp việc công bố dữ liệu ngành cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ chậm lại hơn dự kiến trong tháng trước - bằng chứng cho thấy nền kinh tế nước này đang hạ nhiệt khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ, bằng cách tăng lãi suất lên tới 0,75 điểm điểm phần trăm.

Tuy nhiên, nguồn cung dầu thô và nhiên liệu thấp đã hỗ trợ thị trường dầu mỏ ngay cả khi chứng khoán sụt giảm và USD, vốn thường có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với dầu thô, tăng giá.

Tại phiên họp kéo dài 2 ngày kết thúc vào ngày 30/6, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), bao gồm cả Nga, đã đồng ý giữ nguyên chiến lược tăng sản lượng tháng 8 lên 648.000 thùng/ngày. Tổ chức này cũng tránh bàn về chính sách tăng sản lượng cho tháng 9. Những tháng trước đó, OPEC+ chỉ cam kết tăng thêm thêm 432.000 thùng/ngày/tháng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thực hiện chuyến công du tới Trung Đông vào giữa tháng 7, trong đó có Saudi Arabia, nhằm thúc đẩy chính sách năng lượng với kỳ vọng “hạ nhiệt” giá nhiên liệu đang tăng cao.

(theo Washington Post, Reuters)