Eurozone vẫn đối mặt nhiều rủi ro dù tránh được nguy cơ suy thoái. (Nguồn: Reuters) |
Tuy nhiên, một số nước trong khu vực, trong đó có hai nền kinh tế lớn là Đức và Italy, vẫn đối mặt với nguy cơ này.
Theo báo cáo của Eurostat, trong quý I/2022, 19 nền kinh tế Eurozone tăng trưởng so với quý trước đó, song chỉ với mức tăng 0,1%. Dữ liệu không bao gồm Croatia, nước trở thành thành viên thứ 20 của khối từ tháng 1/2023.
Một nền kinh tế được xác định là suy thoái khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 2 quý liên tiếp. Các chuyên gia kinh tế dự báo các nền kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng cao hơn trong quý II/2023, theo đó Eurozone có khả năng sẽ tránh được nguy cơ suy thoái kỹ thuật.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa tất cả các nước trong khu vực đều tránh được nguy cơ suy thoái kinh tế. Trong số 19 nền kinh tế Eurozone, sáu nền kinh tế suy giảm trong quý IV/2022, trong đó GDP của Đức và Italy lần lượt giảm 0,2% và 0,1%.
Đức và Italy, lần lượt là nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba Eurozone, đã chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Đây là hai quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu cũng như phụ thuộc vào khí đốt của Nga, trong khi nguồn cung này bị gián đoạn sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt Nga.
Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo rằng: “Những cơn gió ngược về kinh tế vẫn còn mạnh”.
Người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với chi phí năng lượng và lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao trong tháng 1/2023. Theo báo cáo của EC, khi áp lực lạm phát vẫn còn, việc thắt chặt tiền tệ sẽ được tiếp tục, gây áp lực lên hoạt động kinh doanh và gây trở ngại cho đầu tư.
Trong ba tháng cuối năm 2022, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận tăng trưởng kinh tế trung bình bằng 0 so với quý trước đó.
Các quốc gia trên khắp châu Âu đã phải chịu lạm phát cao do giá năng lượng tăng vọt vào năm ngoái. Số liệu của Eurostat cho thấy tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã giảm xuống mức 9,2% trong tháng 12/2022. Đối với EU nói chung, tỷ lệ lạm phát trong tháng 12/2022 là 10,4%.