Nhỏ Bình thường Lớn

Brazil - “Gã khổng lồ” độc đáo

Gần đây, Tổng thống Brazil Lula da Silva rất bận rộn, hết đứng chung bục với Thủ tướng Anh Gordon Brown và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nhận lời ngợi khen từ Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị G20, lại chụp ảnh chung cùng Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ Nhị. Ông Silva nói vui trong một cuộc họp báo: “Các bạn có thấy chúng ta thật sang khi cho IMF vay tiền hay không?”.
Tổng thống Silva (thứ hai từ phải) thăm nhà máy khí ga mới ở Rio de Janeiro.

Trước đây, những hình ảnh trên là điều khó tưởng tượng. Với nền dân chủ mong manh, nạn nghèo đói và nền kinh tế dễ bị tổn thương, các nhà lãnh đạo của Brazil có vẻ hợp với vai trò “xếp hàng” nhận cứu trợ thay vì đứng cùng vị trí với những người có thể “làm mưa làm gió” trên trường quốc tế. Sau nhiều thập kỷ với những bước đi sai lầm, Brazil giờ đây đang trở thành một nước mạnh mẽ với nền kinh tế thị trường, một hòn đảo ổn định hiếm hoi trong khu vực có nhiều bất ổn. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Silva, Brazil đang trở thành một “gã khổng lồ” không giống bất cứ một nước đang lên nào.

 

Trong khi Trung Quốc luôn phải để mắt đến Đài Loan, Nga không bao giờ hết bị ám ảnh bởi ảnh hưởng tại Kavkaz, các nghĩa vụ an ninh của Ấn Độ kéo dài từ biên giới Pakistan tới Vịnh Persian, Washington đấu tranh giành ảnh hưởng từ vùng này đến vùng khác, thì Brazil thực hiện tham vọng quốc tế của mình mà không phải đe dọa hay gây chiến với ai. Khi căng thẳng nổ ra giữa các nước láng giềng – như lần Ecuador và Peru suýt xảy ra đụng độ những năm 1990 hay khi Colombia đánh bom các trại du kích tại rừng nhiệt đới Ecuador năm ngoái – các nhà ngoại giao và luật sư đã được Brazil cử tới các vùng “nóng” thay vì tàu chiến và xe tăng. 

 

Brazil cũng có tiếng nói quả quyết hơn trong các vấn đề quốc tế. Họ đứng về phía các nước đang phát triển để chất vấn các nước giàu về khoản trợ cấp nông nghiệp, thành lập ra nhóm G5. Đại sứ của Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga (BRIC) họp mỗi tháng một lần tại Washington để phối hợp chiến lược chính sách chung, thường là để phản đối lại các lập trường của Mỹ. Thúc đẩy chương trình hành động “Nam - Nam”, chính phủ của ông Silva đã mở 35 sứ quán tại nước ngoài kể từ năm 2003, chủ yếu tại châu Phi và Caribe. Brazil cũng đứng đầu một chiến dịch gìn giữ hòa bình ở Haiti.

 

Brazil làm được tất cả điều đó phần lớn là do họ không có một kẻ thù cụ thể để đấu tranh, và cũng không bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ của các cường quốc, như việc tuần tra trên các tuyến đường biển. Ngoài ra, vì Mỹ luôn đóng vai trò kiến tạo hòa bình tại khu vực nên trong khi các nước mới nổi khác ở các khu vực bất ổn phải bơm tiền vào quốc phòng, chi tiêu quân sự của Brazil vẫn dừng ở mức 1,5% GDP, chỉ bằng ¼ của Trung Quốc và bằng phân nửa của Nga và Ấn Độ.

 

Trước đây, có thể nói Brazil đã tìm kiếm vị thế lớn hơn trên thế giới nhưng không thành công. Từng là nước Latinh duy nhất gửi quân tới tới châu Âu trong Thế chiến II, nhưng rồi, Brazil lại không có ghế trong bàn đàm phán sau chiến tranh. Vị thế quốc tế của Brazil chỉ được cải thiện giữa thập niên 1990, khi chính quyền của Tổng thống Fernando Henrique Cardoso ngăn được lạm phát, mở cửa giao thương và bình thường hóa quan hệ với cộng đồng tài chính thế giới. Ông Cardoso còn vận động cho Brazil có ghế tại HĐBA LHQ, khởi động Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và tập hợp các nước đang phát triển dưới khẩu hiệu tự do thương mại.

 

Quyết tâm mở rộng hoạt động quốc tế của Tổng thống Silva cũng thật đáng nể. Từ năm 2007 đến nay, ông đã thăm 45 nước, và cứ 5 tháng thì ông lại có mặt ở nước ngoài 1 tháng nên có lần đã được báo chí địa phương đặt biệt danh là “Lula máy bay”. Mục tiêu rõ ràng nhất của Tổng thống Silva là thúc đẩy quan hệ với các nước đang phát triển, góp phần giảm rào cản thương mại. Trong hai vụ kiện lớn năm 2004, WTO ra phán quyết đứng về phía Brazil, yêu cầu Mỹ ngừng trợ cấp cho các nông dân trồng bông, yêu cầu châu Âu chấm dứt bảo hộ cho ngành củ cải đường.

 

Brazil cũng kín đáo góp phần làm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực và xóa tan những nghi ngờ rằng nước này đóng vai trò bù nhìn cho Washington. “Không ai có thể tuyên bố dân chủ không tồn tại ở Venezuela”, Ông Silva từng nói vậy để ủng hộ Venezuela. Brazil cũng chỉ trích mạnh mẽ Colombia, đồng minh gần gũi nhất của Mỹ trong khu vực, vì đã tấn công vào lực lượng du kích tại rừng của Ecuador, và thường bỏ phiếu trắng với các nghị quyết chỉ trích vi phạm nhân quyền của Cuba.

 

Sức mạnh mà Brazil có được rốt cục không phải từ súng đạn mà từ kho tài nguyên khổng lồ trong đó có dầu và khí, kim loại, ngũ cốc và thịt bò – là nhà cung cấp chính cho thị trường châu Mỹ và châu Á. Hiện Brazil đang tận hưởng sự thặng dư thương mại với tất cả các nước trong khu vực, trong đó có 1 tỉ USD thặng dư với Venezuela.       

 

Kim Chung