Brazil mong muốn xuất khẩu máy bay sang Việt Nam cũng như các sản phẩm công nghệ cao khác. |
Brazil được chứng kiến sự vươn lên đầy ngoạn mục của Việt Nam
Trong cuộc họp báo, Tổng thống Lula da Silva chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính và những người bạn Việt Nam từ bên kia bán cầu đã đến thăm Brazil. Nhắc lại chuyến thăm Hà Nội vào năm 2008, ông Lula da Silva chia sẻ những ấn tượng, ngạc nhiên đối với những thành tựu phát triển về kinh tế xã hội của Việt Nam.
“Chúng ta được chứng kiến sự vươn lên đầy ngoạn mục của Việt Nam”, Tổng thống Brazil nói.
Nhắc về mối quan hệ lâu dài giữa hai nước Việt Nam-Brazil, Tổng thống Lula da Silva cảm ơn sự hỗ trợ của Việt Nam và hoanh nghênh hợp tác của hai nước trong các lĩnh vực văn hoá, nông nghiệp, giáo dục-đào tạo và quốc phòng.
Tổng thống Lula da Silva phát biểu tại họp báo. |
Tổng thống Brazil cho rằng: “đây là nền tảng thúc đẩy, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Brazil đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”. Ông Lula da Silva cũng cho rằng, việc ký các biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực trên là sức bật đầu tiên cho những hiệp định mạnh hơn trong tương lai.
Nhà lãnh đạo Brazil bày tỏ mong muốn, hai nước ngày càng tăng cường hợp tác hai chiều, sẵn sàng tiếp tục mua các sản phẩm của Việt Nam và xuất khẩu hàng sang Việt Nam theo định hướng cán cân thương mại cân bằng.
Tổng thống Lula da Silva cho biết, Brazil mong muốn xuất khẩu những sản phẩm công nghệ cao, máy móc sang Việt Nam như máy bay.
Hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Brazil năm 2022 đạt gần 6,8 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 3,3 tỷ USD, ông Lula da Silva cho rằng đây là con tốt đẹp và nhận định mục tiêu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 là hoàn toàn có thể đạt được.
“Mỗi quốc gia đều có những quan hệ hợp tác chiếc lược trong khu vực và trên thế giới, Brazil mong hợp tác với Việt Nam để gia tăng giá trị cho chuỗi sản xuất, mở rộng đầu tư và thương mại ở những lĩnh vực mang lại giá trị cao”, Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Brazil bày tỏ mong muốn, hai nước ngày càng tăng cường hợp tác hai chiều. |
Đề nghị Brazil sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam
Trong phần phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhắc đến sự tương đồng mang tính nền tảng giữa hai dân tộc, dù cả hai cách nhau nửa vòng Trái đất. Chính nhờ điểm tương này này hai đất nước đã luôn đồng hành, hợp tác vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
“Việt Nam đang tiếp tục vươn lên mạnh mẽ với dân số 100 triệu người, nằm trong số 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, đầu tư”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng chia sẻ ấn tượng sâu sắc khi tận mắt chứng kiến sự phát triển năng động của Brazil, đưa Brazil trở thành cường quốc trong khu vực nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, với vai trò, vị thế ngày càng lớn, nhất là tại Liên hợp quốc, Nhóm G20 và BRICS.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại họp báo. |
Thông tin với báo chí, Thủ tướng cho biết, ông đã cùng Tổng thống Brazil ra thông cáo chung và chứng kiến Lễ ký kết các văn kiện hợp tác song phương trong lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, giáo dục, nông nghiệp
“Các văn kiện này chắc chắn sẽ tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác, đem lại lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và Brazil”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm với Tổng thống Brazil rằng quan hệ kinh tế-thương mại song phương với Brazil phát triển tốt đẹp. Brazil duy trì là đối tác số 1 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil tại ASEAN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thăm Tập đoàn hàng không vũ trụ Embraer. |
Nhất trí thúc đẩy hợp tác trên tất cả lĩnh vực, Thủ tướng đề nghị Brazil sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, ủng hộ thúc đẩy sớm khởi động đàm phán FTA Việt Nam - MERCOSUR. Thủ tướng cũng kỳ vọng thương mại hai chiều sẽ tăng lên 10 tỷ USD vào 2025 và 15 tỷ USD vào 2030.
Người đứng đầu Chính phủ nhất trí về việc hai nước tiếp tục tăng cường tham vấn, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế đa phương, hợp tác Nam-Nam, nhằm cùng nhau bảo vệ lợi ích và nâng cao vị thế của mỗi nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.