TIN LIÊN QUAN | |
Brexit - Nỗi bất an không của riêng ai | |
“Brexit” - Vụ “ly dị” rắc rối và tốn thời gian |
“Ly hôn” phức tạp
Hai cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và John Major đã cảnh báo rằng việc bỏ phiếu “Có” với Brexit (Anh rời EU) tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 có thể khiến Vương quốc Anh tan rã, bởi điều này tạo động lực để Scotland tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai nhằm giành độc lập. Nếu Brexit trở thành sự thật, các cử tri Scotland có thể sẽ tỏ ra bất mãn nếu họ không thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự.
Tại cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, đa số những người bỏ phiếu ở Scotland đã nói “Không” với nền độc lập, song Thủ tướng Nicola Sturgeon - lãnh đạo đảng Quốc gia Scotland (SNP) - cho rằng sự kiện ở Anh sẽ thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu thứ hai vì độc lập ở Scotland.
Tác giả cuốn sách “Người Scotland nghĩ gì” John Curtice, cho biết nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ của người Scotland đối với việc để Anh ở lại EU mạnh mẽ hơn mọi nơi khác, và các khảo sát cũng cho thấy Brexit có thể sẽ kích động một phong trào độc lập ngay trong lòng Scotland.
Liệu sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai diễn ra tại Scotland? (Nguồn: civilwarineurope) |
Phát biểu tại Hạ viện ngày 8/6, Thủ tướng Anh David Cameron lo ngại rằng một cuộc bỏ phiếu rời EU sẽ dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai vì độc lập của Scotland - và dẫn đến nguy cơ làm Vương quốc Anh tan rã.
Sự độc lập của Scotland sẽ đặt dấu chấm hết cho liên minh chính trị hình thành từ năm 1707, khi Anh và Scotland sáp nhập thành một. Mặc dù Scotland hiện giờ đã có Quốc hội riêng, với quyền lực đáng kể, song Scotland và Anh vẫn có cùng một Nữ hoàng, một đơn vị tiền tệ, một Chính phủ ở London cùng nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt ở Biển Bắc. Một cuộc “chia tay” sẽ dẫn đến những mâu thuẫn về quyền lực dai dẳng và phức tạp.
Những dao động
Bredan Davy, Trợ lý điều hành chiến dịch Bỏ phiếu Rời EU, đã gạt bỏ quan điểm rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Anh có thể dẫn đến việc Vương quốc Anh tan rã. Ông cho rằng luận điểm này là một nỗ lực tuyệt vọng của những người ủng hộ Anh ở lại EU. Theo ông, nhiều người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa tại Scotland cũng đã ủng hộ Brexit.
Ông nói: “Những tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý sắp tới có thể dẫn tới một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai vì độc lập của Scotland là một biện pháp đe dọa và kêu gọi người dân bỏ phiếu ở lại EU. Tuy nhiên, người dân chắc chắn sẽ thắc mắc tại sao SNP lại muốn tách khỏi Westminster song lại không muốn thoát khỏi sự ràng buộc của Brussels. Nếu người dân muốn Quốc hội Scotland có nhiều quyền lực hơn, vậy thì họ nên bỏ phiếu rời EU”.
Tuy nhiên, cũng có những người muốn Anh ở lại EU, bởi họ tin rằng điều đó sẽ khiến việc giành được độc lập của Scotland trở nên đơn giản hơn. Họ tin rằng nếu các cử tri Scotland đem lại chiến thắng cho những người muốn Anh ở lại EU, điều đó sẽ chọc tức rất nhiều cử tri tại Anh ủng hộ Brexit và như thế Scotland sẽ dễ dàng giành độc lập hơn.
Dầu vậy, theo Thủ tướng Nicola Sturgeon, dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tới có ra sao thì cũng sẽ dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý về sự độc lập của Scotland. SNP đã tuyên bố trước cuộc bầu cử Quốc hội Scotland rằng yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về nền độc lập chỉ được đưa ra khi có “bằng chứng rõ ràng và đáng tin cậy” rằng đa số người Scotland muốn điều này.
Với quan điểm này, SNP đã công bố các kế hoạch phát động một chiến dịch mới vào mùa Hè này nhằm thuyết phục các cử tri đang dao động.
Cần thận trọng và kiên nhẫn hơn
James Michell, Giáo sư chuyên ngành Chính sách Công tại Đại học Edinburgh, cho rằng những nhà vận động chiến dịch độc lập cho Scotland có thể sẽ phải kiên nhẫn hơn cho dù phong trào Brexit có thành công và Anh rời EU.
Ông nói: “Nhiều thứ sẽ phải phụ thuộc vào những thỏa thuận (mà Anh) đạt được với EU hậu Brexit. Brexit sẽ góp phần gia tăng sự ủng hộ cho phe đòi độc lập của Scotland về lâu dài song đây không phải là một đòn bẩy mạnh mẽ của những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Scotland”.
Giới lãnh đạo Scotland cho biết nếu đa số người dân ủng hộ độc lập trong cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, thì miền đất này vẫn muốn tiếp tục là một phần của EU hoặc sẽ có cơ hội gia nhập lại ngay cả trong trường hợp Anh đã ra đi.
Tuy nhiên, không gì có thể đảm bảo được rằng Scotland sẽ nhận được sự ưu ái từ phía Brussels như những gì Vương quốc Anh đang có.
Tiến sỹ Thomas Lundberg, Giảng viên Chính trị tại Đại học Glasgow, nói: “Có thể chúng ta sẽ được chào đón song chúng ta cần phải thận trọng xem xét các điều khoản. Dù điều gì xảy ra, Scotland có thể ở một vị trí tốt để đàm phán một thỏa thuận tốt hơn với EU hoặc với Vương quốc Anh”.
Tuy nhiên, nhiều người Scotland vẫn chưa có một quyết định cuối cùng - và có lẽ họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại EU hơn là muốn chứng kiến thay đổi.
David Hammond, một đầu bếp 22 tuổi, cho biết: “Tôi thực sự chưa từng nghĩ tới điều này, và thực sự không biết điều gì sẽ là tốt nhất. Có lẽ, tôi sẽ bỏ phiếu ở lại EU bởi chưa có ai nói với tôi rằng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi rời khối”.
Ý nghĩa của “Brexit” đối với quốc phòng và ngoại giao Anh Nếu người Anh bỏ phiếu rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tới, quyết định của họ sẽ ảnh hưởng sâu ... |
Brexit vẫn làm cử tri Anh do dự Các cuộc thăm dò dư luận do hãng ICM tiến hành vừa qua theo nhiều hình thức cho kết quả không rõ ràng vì cử ... |
Nhiều người châu Âu muốn trưng cầu dân ý rút khỏi EU Gần một nửa số người tham gia cuộc thăm dò ở 8 nước lớn của Liên minh châu Âu (EU) muốn trưng cầu dân ý ... |