Thất bại trong cuộc bỏ phiếu lần thứ ba về thỏa thuận Brexit tại Hạ viện Anh, Thủ tướng Anh Theresa May trong hai tuần tới sẽ phải dẫn dắt nước Anh qua một loạt cuộc đàm phán trong nước và quốc tế được đánh giá là giữ vai trò quyết định số phận của Brexit và tương lai của nhiều thế hệ nước này.
Với thất bại trên, một kết cục được dự báo từ trước song có chút tiếc nuối khi số phiếu chênh lệch được thu hẹp đáng kể, nước Anh đã bỏ lỡ hạn chót rời EU một cách “trật tự” vào ngày 22/5 và đứng trước khả năng rời Liên minh châu Âu (EU) không thỏa thuận vào ngày 12/4.
Nước Anh rơi vào tình thế có thể sẽ buộc phải tham gia bầu cử Nghị viện châu Âu, cũng như phải đưa ra được phương án đủ sức thuyết phục EU cho lùi lại thời điểm Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May trong hai tuần tới sẽ phải dẫn dắt nước Anh qua một loạt cuộc đàm phán trong nước và quốc tế được đánh giá là giữ vai trò quyết định số phận của Brexit. (Nguồn: Brexit Central) |
Nhiệm vụ khó khăn của bà May trong các cuộc bỏ phiếu trong tuần này là hàn gắn những chia rẽ sâu sắc và cay đắng giữa một bên là những người muốn giữ Vương quốc Anh ở lại EU và những người muốn chấm dứt mối quan hệ này.
Đây là thách thức vô cùng lớn vào thời điểm Quốc hội Anh đang bế tắc trong việc chọn lựa các phương án rời EU, đảng Bảo Thủ bị chia rẽ bởi cuộc cạnh tranh "ngầm" cho vị trí lãnh đạo đất nước, trong khi các đảng đối lập muốn tổ chức một cuộc bầu cử sớm.
Trong những ngày qua, dư luận đề cập nhiều đến việc Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đang ngấp nghé bờ vực sụp đổ, trong bối cảnh các quan chức chính phủ chuẩn bị tranh luận về việc ủng hộ kế hoạch Brexit “mềm” hơn hay trì hoãn việc rời EU trong thời gian dài.
Ngày 1/4 tại Hạ viện Anh, các nghị sĩ dự kiến sẽ tiến hành bỏ phiếu chín đề xuất hay lựa chọn thay thế cho thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May, thỏa thuận đã đạt được sự nhất trí với EU hồi cuối năm ngoái. Cả chín đề xuất này đều đã không giành được sự ủng hộ đa số trong tuần trước. Hai đề xuất nổi bật trong số trên gồm, việc nước Anh tiếp tục ở lại Liên minh hải quan của EU và tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần hai về Brexit.
Trong số chín đề xuất trên có cả đề xuất Brexit “không thỏa thuận” vào ngày 12/4 và đề xuất trao quyền lực mới cho Quốc hội rút lại điều khoản 50 về việc rời EU.
Người dân biểu tình yêu cầu Brexit. (Nguồn: Getty Images) |
Chủ tịch Hạ viện Anh, ông John Bercow, sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn đề xuất nào đem ra bỏ phiếu trong ngày 1/4. Giới quan sát kỳ vọng rằng, quá trình thu hẹp các lựa chọn này có thể tạo ra một kế hoạch chi tiết để tìm lối thoát về Brexit cho nước Anh.
Trong một sự can thiệp mang tính quyết định, Bộ trưởng Tư pháp Anh David Gauke ngày 31/3 nói rằng, Thủ tướng Anh sẽ phải chấp nhận đề xuất ở lại Liên minh thuế quan, nếu lựa chọn này giành được sự ủng hộ của Quốc hội trong tuần này.
Tuy nhiên, điểm khó là những người ủng hộ Brexit, bao gồm việc nhiều quan chức trong Nội các (theo tờ Sunday Times ít nhất có sáu quan chức thân châu Âu) đã dọa sẽ từ chức nếu bà May chấp nhận việc ở lại Liên minh hải quan hoặc trì hoãn tiến trình này sau ngày 22/5.
Sau khi thất bại lần ba tại Hạ viện, Thủ tướng May cũng đã để ngỏ khả năng tiến hành một cuộc bỏ phiếu lần thứ tư, có thể là ngay trong tuần này, dù đây được đánh giá là hành động "điên rồ". Đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng, cần có giới hạn số lần thỏa thuận Brexit được đưa ra để Quốc hội bỏ phiếu.
Quốc hội Anh đang tìm cách kiểm soát tiến trình Brexit đang khiến Chính phủ Anh “tê liệt”. (Nguồn: Reuters) |
Có thể nói, tình trạng Chính phủ không giữ được quyền lực tập trung như hiện nay và Quốc hội Anh đang tìm cách kiểm soát tiến trình Brexit đang khiến Chính phủ Anh “tê liệt”, làm EU hết kiên nhẫn và người dân “xứ sở sương mù” nản lòng.
Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình RAI của Italy hôm 31/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Jean-Claude Juncker đã nói rằng, EU dù đã rất kiên nhẫn với nước Anh về Brexit, song sự kiên nhẫn này cũng sắp hết.
Ông mong muốn nước Anh có thể đạt một thỏa thuận trong những ngày tới để lấy đó làm nền tảng cho việc rời khỏi EU. Sau khi thỏa thuận Brexit bị bác lần thứ ba tại Hạ viện Anh vào ngày 29/3, EU đã quyết định triệu tập cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào ngày 10/4 để thảo luận về Brexit.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker (phải) mong muốn nước Anh có thể đạt một thỏa thuận trong những ngày tới để lấy đó làm nền tảng cho việc rời khỏi EU. (Nguồn: PA) |
Trong khi đó, đồng bảng Anh biến động cùng chiều với những thăng trầm của bà May trên chính trường, từ các sự kiện bầu cử sớm, bỏ phiếu bất tín nhiệm, hay thất bại tại các cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit tại Hạ viện.
Đồng bảng Anh trong phiên giao dịch ngày 29/6 đã giảm xuống gần mức thấp trong ba tuần là 1,2977 USD, không xa mức thấp hồi tháng trước là 1,2945 USD. Đồng tiền này vật lộn ở quanh mức 1,3020 USD trong phiên sáng ngày 1/4 tại thị trường châu Á.
Tờ Financial Times mới đây dẫn lời nhận định của Mark Mobius, một trong những nhà quản lý đầu tư giàu kinh nghiệm nhất thế giới, cho rằng, Brexit "không thỏa thuận" có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Ông thậm chí cho rằng, đồng Bảng sẽ giảm xuống ngang với USD, đồng thời xếp hạng tín nhiệm của nước Anh cũng sẽ bị hạ bậc nếu tình huống này xảy ra.