Theo kế hoạch, Vương quốc Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 29/3/2019. Tuy nhiên, việc hai bên muốn đạt được một thảo thuận dứt điểm vào cuối tháng 10 này để có đủ thời gian cho phép Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu kịp phê chuẩn ngày càng trở nên khó khăn.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhận định, dù các đề xuất mà Thủ tướng Anh Theresa May cùng Nội các của bà đưa ra thời gian gần đây là “tiến triển tích cực”, vấn đề liên quan đến kiểm soát biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland và hợp tác kinh tế giữa Anh và EU thời kỳ hậu Brexit cần phải được “thảo luận lại và đàm phán sâu hơn”.
“Mở khóa” biên giới
Ngày 2/10, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà chuẩn bị đưa ra đề nghị mới cho EU nhằm phá vỡ những bế tắc trong quá trình thương thảo. Bà May nêu rõ Anh đang thúc đẩy các đề xuất riêng do kế hoạch mà EU đưa ra là “không thể chấp nhận”.
Trước đó, EU đề xuất giải pháp là Bắc Ireland ở lại trong thị trường duy nhất của EU (single market) và liên minh thuế quan cho đến khi Anh tìm ra được giải pháp đối với vấn đề đường biên giới. Tuy nhiên bà May cho rằng việc này sẽ tạo mối ngăn cách Bắc Ireland với phần còn lại của Vương quốc Anh và London không thể chấp nhận điều đó.
Nếu Brexit xảy ra mà không có thỏa thuận sẽ là một kịch bản tồi tệ đối với nền kinh tế Anh. (Nguồn IKON) |
Hiện nay, khi Anh rời EU, Bắc Ireland sẽ không bị cắt đứt hoàn toàn với Ireland (thuộc EU) và do đó sẽ có quy chế khác biệt với phần còn lại của Vương quốc Anh, nếu không sẽ phải “theo chân” Anh ra khỏi EU hoàn toàn. Anh và EU đã nhất trí là phải có điều khoản ràng buộc về pháp lý để đảm bảo rằng sẽ không có việc dựng lại các trạm kiểm soát hải quan hay các cửa khẩu biên giới.
Cả hai bên đều muốn tránh phải thiết lập một đường biên giới “cứng”, có thể gây rối loạn hoạt động trao đổi kinh tế và thương mại giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland thuộc Anh, cũng như có thể hủy hoại thỏa thuận hòa bình ký năm 1998 nhằm chấm dứt hàng thập kỷ xung đột tại đây.
Dù trải qua nhiều tháng đàm phán, Anh và EU vẫn chưa thể tìm được một giải pháp chung để duy trì “biên giới mở” này. Vấn đề là làm thế nào để kiểm soát luồng hàng hóa qua lại giữa EU và Anh tại khu vực này nếu không có đường biên giới và nếu Bắc Ireland rời cả Liên minh thuế quan và thị trường chung châu Âu? Đây chắc chắn sẽ là bài toán hóc búa thử thách các nhà đàm phán Anh và EU trong giai đoạn nước rút hiện nay.
Điều không ai muốn
Chưa đầy 6 tháng nữa sẽ tới thời điểm Anh rời EU. Tuy nhiên, quan ngại về nguy cơ hai bên không đạt được thỏa thuận lại có dấu hiệu gia tăng những ngày qua. Ngày 21/9, Hội nghị thượng đỉnh EU ở Salzburg (Áo), vốn được trông chờ sẽ tạo ra bước đột phá về thỏa thuận Brexit, đã diễn ra trong rối loạn.
Phát biểu ngày 25/9 với các phóng viên trên máy bay trên đường đến New York dự kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định thà không đạt được thỏa thuận Brexit còn hơn đồng ý một thỏa thuận tự do thương mại theo mô hình EU ký với Canada.
Thủ tướng Anh cảnh báo bà sẽ không bao giờ chấp nhận chia tách Vương quốc Anh, đồng thời cảnh báo nếu không thể đạt một thỏa thuận Brexit “chấp nhận được” đối với Anh, London sẵn sàng rời khỏi EU mà không có thỏa thuận. Thậm chí, hồi tháng trước, chính phủ Anh đã công bố các chỉ dẫn mới cho doanh nghiệp và cá nhân trong trường hợp “Brexit không có thỏa thuận”.
Tuy nhiên nếu Brexit xảy ra mà không có thỏa thuận sẽ là một kịch bản tồi tệ đối với nền kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực ô tô, hàng không vũ trụ, hàng không và hóa chất. Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel kêu gọi các bên cần phải thỏa hiệp: “Không có thỏa thuận là điều không ai mong muốn, vì điều này sẽ gây hậu quả cho nước Anh và cho cả châu Âu”.
Quan hệ giữa EU và Anh càng leo thang căng thẳng khi ngày 1/10, Thủ tướng Anh tuyên bố ngay sau khi rời EU, nước này sẽ áp dụng một hệ thống nhập cư mới, chấm dứt quyền tự do di lại của công dân châu Âu tại Anh. Đây sẽ là một hệ thống được xây dựng dựa trên trình độ của người lao động, thay vì nguồn gốc như trước đây, giúp giảm số lượng người nhập cư vào Anh xuống “mức hợp lý” như đã cam kết.
Bất đồng nối tiếp nhau, hàng loạt vấn đề tranh cãi chưa tìm được giải pháp thỏa đáng. Cho đến thời điểm này, cả Anh và EU đều hy vọng đạt một thỏa thuận Brexit tại một Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10 để cho phép nghị viện hai bên kịp phê chuẩn trước thời điểm chính thức “ly hôn” vào tháng 3/2019.