📞

Brexit sẽ ảnh hưởng đến bóng đá Anh ra sao?

17:07 | 25/06/2016
Cuộc trưng cầu dân ý của người dân Vương quốc Anh vừa qua đã đi đến kết luận rằng Liên hiệp này sẽ rời khời khỏi Liên minh châu Âu. Điều này khiến không ít danh thủ và CLB phải lo sốt vó.

Chỉ mới đầu tuần này, toàn bộ 20 CLB đang chơi tại Premier League đều đã lên tiếng phản đối Brexit (Liên hiệp Anh tách khỏi Liên minh châu Âu). Nhưng rốt cuộc họ cũng không thay đổi được gì nhiều.

Cuộc trưng cầu dân ý đã cho kết quả rõ ràng: Brexit sẽ xảy ra và nó sẽ mang đến những rắc rối khó lường và ảnh hưởng trực tiếp đến giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh này.

Vậy bóng đá Anh sẽ phải chịu những ảnh hưởng gì sau Brexit?

Brexit sẽ làm đảo lộn cả Premier League. (Ảnh: Eurosport)

Giá trị cầu thủ nước ngoài tăng vọt

Ngay khi thông tin phe ủng hộ Brexit thắng thế, lập tức đồng Bảng Anh đã giảm giá khủng khiếp và rốt cuộc khi thị trường tài chính của nước này đóng cửa, giá trị đồng tiền này đã giảm gần 9%. Điều này sẽ dẫn đến việc đầu tư ra nước ngoài của Anh sẽ giảm đáng kể bởi giá cầu thủ nước ngoài sẽ đội lên cao hơn nhiều.

Ví dụ, nếu mùa Hè năm ngoái Manchester United quyết định bỏ ra 100 triệu Euro để mua lại Cristiano Ronaldo, tỉ giá hối đoái của Euro so với Bảng khi đó là 0,71 – có nghĩa số tiền mà họ phải bỏ ra là khoảng 71 triệu Bảng. Nhưng giờ đây khi tỉ lệ này đã lên đến 0,81 thì giá trị của bản hợp đồng này đã tăng 10 triệu Bảng, và thậm chí sẽ còn tăng nữa nếu các quốc gia như Scotland hay CH Ireland tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý độc lập.

Giờ đây Man United sẽ phải trả thêm ít nhất 10 triệu Bảng nếu muốn mua lại Cristiano Ronaldo. (Ảnh: Business Insider)

Nói nôm na là, với những cầu thủ nước ngoài, hợp đồng và giá trị chuyển nhượng của họ được tính bằng Euro, bởi vậy khi Bảng Anh mất giá thì các đội bóng như Chelsea, Manchester United hay Manchester City sẽ phải bỏ nhiều tiền hơn để mua họ về, và nếu không cẩn thận thì rất có khả năng những đội bóng này sẽ vi phạm luật công bằng tài chính.

Ngoài ra, điều này còn dẫn đến việc các đội bóng lớn tại Premier League sẽ tìm cách “hút máu” những cầu thủ nước ngoài hiện đang chơi bóng tại những đội bóng nhỏ hơn. Bởi giữa những đội bóng đang chơi tại Anh, đồng Bảng sẽ là công cụ thanh toán, khi giá cầu thủ nước ngoài lên quá cao thì họ buộc phải lùng sục ở thị trường nội địa để tránh rủi ro về tăng giảm tỉ lệ ngoại hối.

Đầu tư ồ ạt

Không chỉ trên thị trường chuyển nhượng, đồng Bảng giảm mạnh sẽ còn gây ra một cơn bão đầu tư từ các nước khác vào Premier League. Bởi khi đó, cổ phần của các đội bóng Anh sẽ rẻ hơn, cùng với đó là tiền bản quyền truyền hình, bản quyền hình ảnh và các loại phí dịch vụ khác cũng giảm theo.

Tuy nhiên, một khi Premier League vẫn giữ được sức hút trên toàn cầu của nó, thì yếu tố này lại phần nào có lợi cho các đội bóng và giải đấu nói chung. Với các đội bóng, họ sẽ có thêm nhiều nguồn tiền đầu tư, và với giải đấu thì đây sẽ là dịp để họ đưa hình ảnh của mình sâu rộng hơn ra toàn thế giới.

Tiền bản quyền truyền hình của Premier League sẽ giảm. (Ảnh: The Mirror)

Rắc rối việc xin giấy phép lao động

Một mối lo khác của các CĐV cũng như CLB trong vấn đề chuyển nhượng chính là khả năng xin giấy phép lao động cho các cầu thủ. Hiện tại, những cầu thủ có hộ chiếu EU được phép tự do đến Anh chơi bóng mà không cần xin giấy phép lao động. Nhưng nếu quy chế này tan vỡ theo Brexit thì toàn bộ cầu thủ ngoài Vương quốc Anh muốn chơi bóng tại Premier League thì trước hết phải đáp ứng được yêu cầu xin giấy phép lao động vốn rất ngặt nghèo của giải đấu này: Cầu thủ đó phải chơi tối thiểu 75% số trận của ĐTQG trong hai năm gần nhất. Đội tuyển đó phải đứng thứ 70 trên BXH FIFA trở lên.

Tức là nếu Brexit xảy ra cách đây 25 năm thì Premier League sẽ không thể có những Eric Cantona, Cristiano Ronaldo, Kurt Zouma, Paolo Di Canio hay N’Golo Kante – những cầu thủ đến với bóng đá Anh từ khi còn rất trẻ hoặc sự nghiệp quốc tế chưa có gì nổi bật.

Nếu Brexit xảy ra 25 năm trước thì rất có thể Premier League sẽ không bao giờ có Eric Cantona. (Ảnh: Telegraph)

Với những cầu thủ thuộc các châu lục khác như Nam Mỹ và châu Phi, con đường phổ biến nhất để họ đặt chân đến nước Anh mà không bị siết giấy phép lao động chính là việc họ sở hữu tấm hộ chiếu châu Âu do có gốc gác là các quốc gia thuộc EU như Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Pháp. Trong một số trường hợp không xin được giấy phép thì đội bóng đó có thể cho mượn cầu thủ này dài hạn ở những quốc gia khác như Bỉ để được công nhận là công dân của nước đó.

Nhưng giờ đây, mọi mánh khóe đều vô dụng, và Premier League sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt tài năng trầm trọng nếu các nhà điều hành Premier League không sửa đổi vài điều luật về chuyển nhượng cầu thủ nước ngoài.

Mặt tốt duy nhất của điều này là nó cũng dẫn đến việc các đội bóng buộc phải chú trọng hơn trong công tác đào tạo trẻ. Đây là điều mà bóng đá Anh từ lâu đã bỏ quên và khiến bao tài năng trẻ mãi ngụp lặn ở các giải đấu cấp thấp do không thể cạnh tranh được với những ngôi sao nước ngoài. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp diễn trong dài hạn, bóng đá Anh sẽ dần bị sa mạc hóa như giải VĐQG Nga – khi tài năng bản địa bị hét giá quá cao so với thực tài khiến thị trường chuyển nhượng trong nước gần như bị đóng băng.

Giá cầu thủ nội địa Anh sẽ tăng vọt trong tương lai? (Ảnh: Kop Source)

Ngày nay, khoảng 65% số cầu thủ tại Premier League là người nước ngoài, và cuộc bỏ phiếu vừa rồi chắc chắn sẽ khiến cả nền bóng đá Anh đứng trước một cuộc chuyển mình khủng khiếp, không chỉ với các cầu thủ và CLB, mà còn với cả ĐTQG và tương lai của cả giải đấu này.