Đây là một trong những hoạt động hợp tác thường niên giữa Hội hữu nghị Việt Nam-Đức và Văn phòng đại diện Viện Friedrich-Naumann tại Việt Nam. Thời gian qua, Hội đã phối hợp với Văn phòng đại diện của Viện tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm với những chủ đề mà hai bên cùng quan tâm, góp phần đáng kể vào việc tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa nhân dân hai nước.
Hội thảo này có sự tham dự của đại diện các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương như: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Viện Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các Viện kinh tế của các Bộ, ban ngành liên quan, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Mình.
Phó Đại sứ Đức Wolfgang Mani phát biểu tại Hội thảo chiều ngày 30/9. (Nguồn: Thời Đại) |
Tại đây, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tham gia tích cực trong phiên thảo luận, hoặc đưa ra những nhận xét và bình luận sâu sắc để làm rõ nét hơn các vấn đề liên quan đến vấn đề Brexit hiện nay.
Ông Phan Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Đức đánh giá cao phần báo cáo của ông Wofgang Mani - Phó Đại sứ Đức tại Việt Nam và ông Đỗ Sơn Hải - Trưởng khoa Chính trị quốc tế, Học viện Ngoại giao. Với những phân tích sắc bén và bề dày kinh nghiệm, hai báo cáo viên đã cho thấy cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề Brexit cũng như những ảnh hưởng mà nó mang lại.
Theo ông Wolfgang Mani, mặc dù Brexit, kinh tế Đức vẫn tăng trưởng, lý do là môi trường kinh tế nội địa Đức rất tốt, kết quả xuất khẩu của Đức năm 2016 khá cao. Thách thức chỉ thực sự xuất hiện khi Chính phủ Anh chính thức đệ đơn ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) theo điều 50 Hiệp ước EU.
Trong khi đó, ông Đỗ Sơn Hải cho rằng, cũng giống như EU, nếu chỉ căn cứ vào chỉ số trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Anh thì Brexit sẽ không có tác động lớn tới Việt Nam bởi tầm vóc mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể thì hậu Brexit sẽ có những tác động không hề đơn giản đối với Việt Nam như mối quan hệ thương mại Việt – Anh sẽ phải có những thay đổi khi không còn đặt dưới cái ô EU, Brexit khiến Việt Nam rơi vào tình trạng khó xử trong quan hệ với Anh một bên và EU một bên...
Các đại biểu dự Hội thảo cũng cho rằng, Brexit là đề tài rất đáng quan tâm và cần được nghiên cứu kỹ nhằm tìm ra những ảnh hưởng mà nó mang lại đối với hai quốc gia Việt Nam- Đức cũng như trong khu vực và trên toàn thế giới.