BRICS đang hướng tới một loại tiền tệ toàn cầu mới. (Nguồn: Stockbiz) |
Tình hình trở nên cấp bách hơn vào năm 2022, khi thế giới chứng kiến làn sóng trừng phạt tài chính chưa từng có đối với Nga. Điều này gây ra mối nguy hiểm cho các nền kinh tế ngoài phương Tây khác và các quốc gia hiện đang tiến gần đến giai đoạn phi USD hóa để tránh "số phận" như vậy.
Thông tin trên được Tạp chí Eurasia Review trụ sở tại Mỹ đăng tải theo bài phân tích của nghiên cứu viên S. M. Saifee Islam về tiến trình Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tìm kiếm một loại tiền tệ toàn cầu mới.
"Một cuộc chiến tiền tệ"
Chiến lược của BRICS hiện đã trở nên phổ biến đến mức có thể được gọi là “một cuộc chiến tiền tệ”.
Quá trình phi USD được đẩy nhanh ngày 30/3, khi Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Alexander Babakov cho biết, việc chuyển đổi sang thanh toán bằng tiền tệ quốc gia là bước đầu tiên. Mục tiêu tiếp theo là cung cấp lưu thông kỹ thuật số hoặc bất kỳ hình thức nào khác của một loại tiền tệ mới trong tương lai gần nhất.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới sẽ công bố thời điểm triển khai dự án này.
BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đang thảo luận về việc tạo ra một loại tiền tệ mới để thúc đẩy thương mại.
Các nước thành viên BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới và gần 1/4 GDP toàn cầu. Trong những tháng gần đây, nhóm này đã định vị mình là sự thay thế của Nam bán cầu đối với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Tác giả S. M. Saifee Islam nhận định: "Sự ra đời của đồng tiền BRICS chắc chắn sẽ nâng BRICS từ một liên minh kinh tế thành một liên minh địa chính trị quan trọng của thế kỷ XXI. Hơn nữa, nhiều quốc gia ở Tây Á và Bắc Phi, đặc biệt là Saudi Arabia và Algeria, đã thể hiện sự quan tâm đến việc gia nhập liên minh. Iran chính thức đề nghị gia nhập BRICS vào năm ngoái".
Song song với đó, khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài khiến dự trữ ngoại hối giảm rõ rệt. Tuy nhiên, sức mạnh của đồng USD không chỉ là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Đúng hơn, sức mạnh của đồng USD có khả năng cản trở sự phát triển của các loại tiền tệ mới. Do đó, số phận của các loại tiền tệ trên thế giới sẽ được quyết định trong những ngày tới bởi một “cuộc chiến tiền tệ”.
Liên minh tiền tệ mới
Ý tưởng giới thiệu một loại tiền tệ BRICS mới không bắt nguồn từ con số không mà là sự kết hợp cả khía cạnh kinh tế và chiến lược.
Về lĩnh vực kinh tế, khái niệm đồng tiền của BRICS trở thành một loại tiền tệ mới không phải là một sự phát triển gần đây. Ngay từ khi thành lập, nhóm này đã tích cực thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia BRICS sử dụng đồng nội tệ.
Do đó, nếu các quốc gia BRICS tiếp tục kế hoạch và tạo ra một loại tiền tệ mới, điều đó có thể giúp ổn định nền kinh tế, cải thiện niềm tin của khách hàng đối với khoản đầu tư của nhóm. Điều này sẽ giúp tăng chi tiêu và phát triển kinh tế.
Tiếp theo, biến động tỷ giá của các đồng nội tệ so với đồng Euro và USD là một trở ngại đáng kể đối với các quốc gia BRICS trong năm gần đây. Trong năm 2022, đồng USD giảm giá so với đồng Ruble của Nga và đồng Teal của Brazil. Trong khi đó, đồng Euro đã giảm giá so với tất cả các loại tiền tệ của BRICS.
Do đó, tác giả S. M. Saifee Islam cho rằng, các quốc gia thành viên thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại song phương để tạo ra một môi trường kinh tế an toàn. Bằng cách áp dụng một loại tiền tệ duy nhất, các quốc gia có thể hạn chế tính nhạy cảm đối với biến động tiền tệ và thay đổi lãi suất, do đó cải thiện sự ổn định kinh tế và giảm khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính.
Đồng USD chiếm khoảng 60% dự trữ ngoại tệ trên toàn thế giới và là phương tiện trao đổi thương mại phổ biến nhất. (Nguồn: Reuters) |
Song song, khái niệm về một loại tiền tệ duy nhất có khả năng trở thành một giải pháp thay thế toàn cầu cho đồng USD và là mối nguy hiểm trực tiếp đối với đồng bạc xanh. Đồng USD được mệnh danh là “vua của các loại tiền tệ”.
Năm 1944, đồng USD được chỉ định là đồng tiền dự trữ chính thức của thế giới. Kể từ đó, đồng USD đã có một “vị trí chỉ huy” trong nền kinh tế toàn cầu.
USD đã trao cho Mỹ quyền lực đáng kể đối với các nền kinh tế khác. Trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có truyền thống sử dụng các biện pháp trừng phạt để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với các quy định của Mỹ và các quốc gia như Nga và Trung Quốc mong muốn chấm dứt quyền bá chủ của đồng USD.
Do đó, quá trình tạo ra các loại tiền tệ BRICS mới đề cập đến việc hạ thấp sự thống trị của đồng USD trên thị trường toàn cầu. Và cách tiếp cận này làm giảm sự phụ thuộc của các quốc gia khác vào đồng bạc xanh và nền kinh tế Mỹ, có thể giúp giảm thiểu tác động của sự phát triển kinh tế và chính trị ở Mỹ đối với nền kinh tế của chính họ.
Ngoài ra, trong quý IV/2022, tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng đồng USD trên toàn thế giới đã giảm xuống dưới 59%, tiếp tục đà giảm trong hai thập kỷ.
Mặt khác, các quốc gia phương Tây đã đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Nga vào năm ngoái, và cấm các ngân hàng Nga sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Do đó, các quốc gia BRICS buộc phải nhanh chóng thiết lập một loại tiền tệ thống nhất. Nghị quyết của BRICS cho thấy, sự phản đối mạnh mẽ đối với việc “vũ khí hóa đồng USD”.
Cuối cùng, quá trình này có thể được trình bày từ nhiều góc độ đối với từng quốc gia thành viên BRICS. Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung nhấn mạnh sự thống trị của đồng tiền Mỹ và khả năng cản trở thương mại và công nghệ của Trung Quốc.
Những trở ngại như vậy thôi thúc Trung Quốc từ bỏ hệ thống toàn cầu do Mỹ thống trị và có thể phát triển một loại tiền tệ thay thế.
Không dễ thay thế USD
Đồng USD chiếm khoảng 60% dự trữ ngoại tệ trên toàn thế giới và là phương tiện trao đổi thương mại phổ biến nhất, chiếm hơn 70% xuất khẩu bên ngoài châu Âu.
Đây chỉ là một vài ví dụ về sức mạnh của USD trong nền kinh tế toàn cầu. Do đó, các quốc gia BRICS cũng phụ thuộc vào đồng bạc xanh, điều này sẽ không dễ dàng thay đổi.
Ví dụ, mặc dù thực tế là chỉ 5% hàng nhập khẩu của Ấn Độ có nguồn gốc từ Mỹ, nhưng 86% hàng nhập khẩu của nước này được lập hóa đơn bằng USD. Tương tự, mặc dù chỉ 15% xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ, nhưng 86% xuất khẩu của nước này được thanh toán bằng USD.
Hiện tại, tác giả S. M. Saifee Islam nhận thấy, không có sự thay thế khả thi nào cho đồng USD và sự thống trị của đồng bạc xanh trong môi trường tài chính toàn cầu có thể sẽ tồn tại trong tương lai gần. Do đó, quyết định của BRICS không chỉ đáng chú ý trong một khoảng thời gian ngắn.
Đúng hơn, chiến lược BRICS đã gợi ý rõ ràng về một tương lai được điều chỉnh sắp tới của trật tự kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự thành công của việc “phi USD hóa” phần lớn phụ thuộc vào phương pháp của các quốc gia BRICS và mức độ mà đồng tiền thay thế có thể đẩy lùi đồng bạc xanh.