📞

BRICS, Nhân dân tệ 'tổng tấn công', đồng USD có còn là vua?

Việt An 13:08 | 13/08/2024
Sự suy giảm của đồng USD trong vai trò đồng tiền dự trữ của thế giới là chủ đề tốn nhiều giấy mực trong nhiều năm qua, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008.
Đồng USD đã giữ vai trò là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. (Nguồn: The Bit Times)

Theo Chỉ số theo dõi mức độ thống trị của đồng USD của Hội đồng Đại Tây Dương, tỷ trọng của “đồng bạc xanh” trong dự trữ toàn cầu đứng ở mức 58% vào năm 2024, giảm 14 điểm phần trăm so với năm 2002.

Báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, đồng USD đã giữ vai trò là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tăng cường áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính, một số quốc gia đã có ý định đa dạng hóa khỏi đồng USD.

Tốc độ phi USD hóa đã tăng lên trong những năm gần đây và các nhà nghiên cứu chỉ ra một diễn biến đã thúc đẩy xu hướng này, đó là sự phát triển của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

Báo cáo cho biết: “Trong 24 tháng qua, các thành viên của BRICS đã tích cực thúc đẩy việc sử dụng các đồng tiền quốc gia trong thương mại và giao dịch.

Cùng lúc đó, Trung Quốc đang mở rộng hệ thống thanh toán thay thế của mình cho các đối tác thương mại và tìm cách tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT) trên toàn cầu”.

Các chuyên gia nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương xác định: "BRICS là một thách thức tiềm năng đối với vị thế của đồng USD. Nhóm ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và mỗi quốc gia thành viên của nhóm này đều phát đi tín hiệu muốn giao dịch nhiều hơn bằng các đồng tiền quốc gia".

Đặc biệt, đồng NDT có tiềm năng cạnh tranh cao nhất với đồng USD trong vai trò là đồng tiền thương mại và dự trữ.

Báo cáo xác định hai chỉ số chính cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của cơ sở hạ tầng tài chính thay thế mà Trung Quốc đang xây dựng là “các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ của Trung Quốc với các nước BRICS và các thành viên trong Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS).

Dù vậy, theo báo cáo, đồng USD tiếp tục dẫn đầu trong dự trữ ngoại hối, hóa đơn thương mại và giao dịch tiền tệ trên toàn cầu.

Báo cáo viết: "Tất cả các đối thủ tiềm năng, trong đó có đồng Euro, đều ít có khả năng thách thức vị thế của đồng USD trong tương lai gần".

Dựa trên sáu “đặc điểm cần thiết của một đồng tiền dự trữ” mà Hội đồng Đại Tây Dương đặt ra, Euro là đồng tiền phù hợp nhất để trở thành đồng tiền dự trữ sau đồng USD, tiếp theo mới là NDT.

(theo Kitco News)