Nhỏ Bình thường Lớn

Bùng nhùng thị trường vàng

Nhu cầu tích trữ vàng trong dân đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, Nhà nước nên đưa ra các giải pháp quản lý thị trường vàng miếng một cách chặt chẽ, thay vì cấm đoán" là ý kiến chung của nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo khoa học “Thị trường vàng Việt Nam: Những vấn đề đặt ra" do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) vừa tổ chức.
Ảnh minh họa

Nhiều vấn đề đặt ra

Kể từ khi thông tin Nhà nước có thể cấm mua bán vàng miếng được phát ra, thị trường vàng đã chứng kiến nhiều biến động. Đầu tiên phải kể đến sự trầm lắng của thị trường, lượng giao dịch giảm, thanh khoản yếu. Hiếm khi người ta chứng kiến giá vàng thế giới lên mà giá vàng trong nước vẫn "án binh bất động". Sau đó, các tiệm vàng bắt đầu hoạt động hết công suất để sản xuất nhẫn trơn, loại vàng nữ trang rất thuận tiện cho mục đích tích trữ thay thế vàng miếng. Người dân thậm chí phải xếp hàng để mua đuợc vàng nhẫn. Dù đã tăng công suất, các hãng vàng vẫn không có đủ nhẫn cung cấp cho thị trường.

Thị trường vàng trong nước đang có nhiều biến động bất thường, thậm chí khó dự đoán hơn cả thị trường thế giới. Theo TS. Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ tới cả chính trị, kinh tế và xã hội. Vì vậy, việc lập một sàn vàng quốc gia là cần thiết, cần sớm có chính sách quản lý đồng bộ, tránh cực đoan và duy ý chí.

TGĐ Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Hoàn ACB-SJC Trần Trọng Quốc Khanh cho rằng, nên thành lập sàn giao dịch quốc gia. Sàn vàng là một bộ phận của sở giao dịch hàng hóa, các doanh nghiệp là thành viên của sàn vàng. Tuy nhiên, bà Dương Thu Hương - Tổng thư kí Hiệp hội Ngân hàng bày tỏ băn khoăn không rõ mô hình của sàn này sẽ như thế nào, mối quan hệ, liên kết giữa các thành tố tạo nên thị trường như Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp, ngân hàng và nhà đầu tư sẽ được tổ chức ra sao.

Trong bối cảnh thị trường có nhiều rối ren, thông tin chính thức và rõ ràng từ cơ quan nhà nước là hết sức cần thiết. Song cho tới nay, việc quản lí thị trường này vẫn chưa có cách thức quản lý, có vẻ như giữa những nhà quản lí và các doanh nghiệp, đối tượng bị quản lí, vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Nhà quản lí, các chuyên gia và các doanh nghiệp đều đồng tình với việc tăng cường quản lí, giám sát thị trường vàng sao cho minh bạch và hiệu quả hơn. Nhưng cách thức quản lí ra sao, cấm hay không cấm người dân mua bán vàng miếng, doanh nghiệp nào sẽ được phép kinh doanh vàng miếng, sàn vàng quốc gia sẽ được tổ chức như thế nào, có gì khác với sàn vàng trước đây vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ. Nhiều ý kiến trái chiều, có người lại cho rằng nếu sàn giao dịch vàng quốc gia được thành lập thì số tiền kí quĩ phải lên tới trên 90% thậm chí có thể là 95 - 99%. Trong trường hợp nhà đầu tư muốn bán vàng phải nộp vàng vật chất vào tài khoản mới được giao dịch...

Dân có quyền giữ vàng, nhưng...

Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu vàng ở Việt Nam bình quân vẫn đạt khoảng 60 tấn/năm thì các doanh nghiệp khai thác vàng từ các mỏ trong nước chỉ sản xuất được khoảng 1-2 tấn/năm. Theo ước tính của Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Hoàn ACB-SJC, người dân Việt Nam đang tích trữ khoảng 500 tấn vàng. Ông Lê Xuân Nghĩa - Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng việc này sẽ tạo nên sức ép không nhỏ đối với thị trường tiền tệ, tỉ giá. Số vốn lớn này nếu không quản lí được sẽ tác động trực tiếp và làm cho thị trường tiền tệ tỉ giá mất ổn định. Bởi vậy, cần phải gấp rút coi việc quản lí thị trường này là một bộ phận của thị trường tiền tệ.

Tuy nhiên, việc siết chặt quản lí phải được dựa trên cơ sở đảm bảo quyền sở hữu vàng miếng của người dân như một loại tài sản đảm bảo an toàn trong bối cảnh lạm phát cao. Theo TGĐ Công ty Vàng Agribank - Nguyễn Thanh Trúc Nhà nước chỉ có thể quản chặt các doanh nghiệp kinh doanh vàng chứ không thể "quản" người dân. "Nếu chỉ cho phép người dân bán mà không được mua thì hết sức phi lí. Nhiều nước còn khuyến khích người dân tích trữ vàng, tất nhiên, những nước đó đã có công cụ quản lí hữu hiệu".

Các chuyên gia và các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều nhất trí cho rằng Nhà nước chỉ nên cho phép một vài đơn vị, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng, không nên để tình trạng các cửa hàng vàng nào cũng có thể mua bán vàng miếng tràn lan như hiện nay. Lựa chọn đơn vị nào thì phải tính toán kĩ đảm bảo đơn vị đó đủ năng lực và Nhà nước có thể điều tiết được. Theo TS. Phong, "việc xác định các đơn vị được phép mua bán vàng miếng cần xem xét đến yếu tố chống độc quyền, đảm bảo có sự liên thông về giá đối với thị trường quốc tế".

Việt Nguyễn