Giới trẻ Mỹ dễ dàng sở hữu những vật phẩm đến từ thương hiệu nổi tiếng nhờ dịch vụ mua trước, trả sau. Xu hướng này đang bùng nổ thời Covid-19. (Nguồn: Fashionista) |
Xu hướng mua trước, trả sau đã thúc đẩy sự phát triển của hàng loat công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), ví dụ như công ty thanh toán Klarna của Thụy Điển, doanh nghiệp có mức định giá lên tới 46 tỷ USD.
Mới đây, nền tảng thanh toán mua trước, trả sau Afterpay của Australia cũng vừa được bán cho công ty fintech Square của Mỹ với mức giá ấn tượng là 29 tỷ USD.
Hấp dẫn bởi sự thuận tiện
Mua trước, trả sau là một hình thức tín dụng mới của thế kỷ XXI, khách hàng không cần thiết phải trả tiền ngay lập tức cho người bán. Các nền tảng như Afterpay thường cho phép khách hàng thanh toán trong 4 lần và kỳ hạn trả góp khoảng 6 tuần.
Trong phần lớn trường hợp, khách hàng chỉ phải cung cấp một số thông tin cá nhân, và công ty cung cấp dịch vụ thanh toán sẽ sử dụng thuật toán và dữ liệu để phân tích và xét duyệt hạn mức chi tiêu dựa trên lịch sử tín dụng của họ.
Tài khoản người dùng thường được liên kết với thẻ ghi nợ hoặc tài khoản ngân hàng, với các khoản thanh toán trả góp được thực hiện tự động. Khi người dùng thanh toán đúng hạn trên các nền tảng này, hạn mức chi tiêu của họ sẽ tăng lên.
Dịch vụ mua trước, trả sau không mới, nhưng các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này khác biệt so với các nhà cung cấp thẻ tín dụng và ngân hàng truyền thống ở chỗ họ cung cấp nhiều lựa chọn không tính lãi suất hay phí giao dịch trả góp của khách hàng.
Các nền tảng thanh toán này chủ yếu thu lời từ phí của nhà bán lẻ và một số khoản phí khi khách hàng trả chậm.
Phương thức mua trước, trả sau hấp dẫn hơn các loại thẻ tín dụng truyền thống chủ yếu là do sự thuận tiện.
Số tiền phải trả "có vẻ ít hơn"
Nhiều người trẻ cho biết, họ được bạn bè giới thiệu hoặc nhìn thấy quảng cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội và bắt đầu sử dụng các nền tảng thanh toán này từ năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng lên.
Các nền tảng này thu hút một số lượng lớn khách hàng có thu nhập trung bình, cho phép họ mua trả góp các mặt hàng có giá cao như máy tính và quần áo hàng hiệu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi người tiêu dùng được trả góp, họ thường chi tiêu nhiều hơn.
Sarah Newcomb, nhà kinh tế học về hành vi người tiêu dùng tại công ty dịch vụ tài chính Morningstar (Mỹ) cho biết, việc chia nhỏ khoản tiền phải thanh toán làm cho người mua hàng cảm thấy số tiền họ phải trả "có vẻ ít hơn".
Ở Mỹ, người tiêu dùng tập trung vào nhu cầu mua sắm nhiều hơn là tiết kiệm và mạng xã hội đóng vai trò tương đối lớn trong việc thúc đẩy chi tiêu ở nước này.
Năm ngoái, tại Mỹ, ước tính người tiêu dùng đã chi hơn 20 tỷ USD thông qua việc sử dụng các dịch vụ mua trước, trả sau. Chi tiêu trên các nền tảng mua trước, trả sau được kỳ vọng sẽ đạt giá trị hơn 1.000 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2025.
Các "ông lớn" vào cuộc
Không ngạc nhiên khi các công ty dịch vụ thanh toán khác như công ty thẻ tín dụng, ngân hàng và các công ty công nghệ lớn, lại quan tâm đến lĩnh vực mua trước, trả sau, bởi số lượng giao dịch ở lĩnh vực này tăng vọt trong năm qua.
Đáng chú ý, mới đây, Square đã mua lại nền tảng thanh toán trực tuyến Afterpay của Australia với giá 29 tỷ USD. Tính đến ngày 30/6, Afterpay cung cấp dịch vụ thanh toán cho hơn 16 triệu khách hàng và hợp tác với khoảng 100.000 người bán.
"Người khổng lồ" công nghệ Apple cũng được cho là đang hợp tác với công ty thanh toán trực tuyến PayBright của Canada để triển khai các chương trình trả góp khi khách hàng mua các sản phẩm của Apple tại Canada.
Cả hai ông lớn trong lĩnh vực thẻ thanh toán thế giới là Visa và Mastercard đều đang thúc đẩy việc phát triển các sản phẩm mua trước, trả sau của riêng họ.
Công ty fintech Klarna của Thụy Điển gần đây được định giá 46 tỷ USD sau đợt huy động vốn gần nhất đạt 639 triệu USD với tập đoàn đầu tư SoftBank (Nhật Bản).
Có thể thấy, việc thu hút và tìm kiếm khách hàng, cả ở phía người bán lẫn phía người mua, của các công ty công nghệ tài chính như Afterpay hay Klarna sắp bước vào một giai đoạn mới.
Các công ty khởi nghiệp non trẻ sẽ phải cạnh tranh với những "gã khổng lồ", vốn có sẵn một lượng khách hàng riêng rất lớn và trải rộng trên toàn cầu.
Đối với các công ty fintech chuyên về mua trước, trả sau, nếu không có ý định vươn lên thành một nhà cung cấp dịch vụ tài chính đa dạng hơn, thì hầu hết đều gần như đã chạm đến đỉnh tăng trưởng.
Đó cũng là lý do vì sao hai nhà sáng lập Afterpay là Anthony Eisen và Nick Molnar, sau khi kiếm được hàng tỷ USD lợi nhuận, đã lựa chọn chiến lược rút lui an toàn là bán toàn bộ "đứa con tinh thần" của mình cho Square.
Square do Giám đốc điều hành Jack Dorsey - nhà sáng lập mạng xã hội đình đám Twitter - thành lập. Công ty này được biết đến nhiều nhất về sản phẩm công nghệ kết hợp các dịch vụ mua bán và thanh toán di động thành một dịch vụ duy nhất, dễ sử dụng.
Square hiện đã phát triển thành một công ty dịch vụ fintech, sở hữu lượng khách hàng lên đến con số hàng triệu, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việc kết hợp giữa Afterpay và Square sẽ tạo ra một công ty mới nhiều năng lượng hơn, thu hút các doanh nghiệp tham gia hệ thống tài chính đa dạng của Square, bao gồm cả những người bán lớn hơn mà Afterpay có thể thu hút được, đồng thời mở rộng phạm vi tiếp cận quốc tế của Square.
Việc hợp nhất hai công ty phù hợp với tầm nhìn tham vọng của Afterpay về một doanh nghiệp không chỉ hoạt động trong lĩnh vực mua trước, trả sau.