Nhiều nhà phân tích cho rằng Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe sẽ dễ dàng tiếp tục một nhiệm kì mới.
Thời cơ thuận lợi
Mọi thứ đang ủng hộ ông Abe. Sau những rắc rối chính trị và tỷ lệ ủng hộ chạm đáy hồi tháng Bảy, nội các mới của Thủ tướng Shinzo Abe đã khôi phục lại niềm tin nơi người dân. Các vị trí chủ chốt như Ngoại trưởng Taro Kono và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cũng giành được nhiều sự ủng hộ từ công chúng.
Cùng với đó, ông Shinzo Abe cũng thực hiện những thay đổi trong nội bộ ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) nhằm hướng tới xây dựng một chính quyền ổn định và đặt nền móng vững chắc trong việc thực hiện những chính sách nếu tái đắc cử trong nhiệm kỳ tới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng những người ủng hộ tại Fukushima. (Nguồn: Reuters) |
Trong khi đó, dưới tài lèo lái của vị "thuyền trưởng" Shinzo Abe, kinh tế Nhật Bản đã phục hồi và tăng trưởng liên tục. Tiếp tục Chính sách Abenomics, sửa đổi Hiến pháp, phát triển nguồn nhân lực, cải cách lao động, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Triều Tiên là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của đương kim Thủ tướng Abe và đảng LDP.
Theo một cuộc khảo sát của tờ Yomiuri Shimbun từ ngày 8 – 10/9, có 50% số người được hỏi ủng hộ Thủ tướng đương nhiệm, trong khi chỉ có 39% phản đối. Nhiều chuyên gia nhận định tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên đang diễn biến phức tạp là cơ hội thuận lợi để ông Abe thể hiện khả năng lãnh đạo của mình. Lập trường cứng rắn nhằm gia tăng sức ép của ông Abe đối với vấn đề khủng hoảng hạt nhân ở Triều Tiên cũng mang lại sự đồng tình của không ít cử tri.
Trong khi đó, nội bộ của phe đối lập lại liên tiếp gặp nhiều bất ổn và không giành được nhiều thiện cảm từ công chúng. Cũng trong cuộc khảo sát của Yomiuri Shimbun, ứng cử viên của đảng này, cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara chỉ giành được 33% sự ủng hộ và khó có thể làm nên điều kì diệu trong cuộc bầu cử sắp tới.
Ngay cả người được coi là đối thủ chính trị lớn nhất của ông Abe, Thị trưởng thành phố Tokyo Yuriko Koike cũng đã tuyên bố rút lui ngày 10/10. Đảng của Hy vọng do bà thành lập thì phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ ủng hộ liên tục giảm sút, từ mức 29% ngày 3/10 xuống chỉ còn 13% một tuần sau đó.
Bởi vậy có thể nói, việc Thủ tướng Shinzo Abe tiến hành giải tán Hạ viện vào ngày 29/9 nhằm tạo khoảng trống chính trị cho cuộc bầu cử sắp tới là một bước đi táo bạo nhưng đúng đắn. Bản thân ông Abe cũng nhận định: “Một cuộc bầu cử trong hoàn cảnh này cũng sẽ là một phép thử về niềm tin dành cho tôi”.
Cần nhiều hơn một chiến thắng
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu Thủ tướng Shinzo Abe bỏ qua những khó khăn mà ông có thể phải đối mặt trong cuộc bầu cử sắp tới.
Bất chấp việc thị trưởng thành phố Tokyo Yuriko Koike không tham gia cuộc bầu cử sắp tới, và đảng của bà tuy bị sút giảm tỷ lệ ủng hộ vẫn được đánh giá sẽ trở thành một thế lực mới trong Quốc hội Nhật Bản. Trong khi đó, đảng “Dân chủ Hợp hiến Nhật Bản” được thành lập đầu tháng 10 vừa qua cũng hứa hẹn sẽ có thể cản bước tiến của LDP tại Quốc hội. Lập trường phản đối thay đổi Hiến pháp đã khiến đảng này nhận được 18% sự ủng hộ của công chúng Nhật.
Sự trỗi dậy của hai đảng này có lẽ là một kịch bản mà LDP không muốn xảy ra vào lúc này, khi nó tạo thêm rủi ro cho cuộc vận động tranh cử sắp tới. Ở thời điểm hiện tại, một chiến thắng sít sao là không đủ đối với ông Abe. Vị Thủ tướng đương nhiệm cần giành được 2/3 số phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới, nếu không muốn đảng cầm quyền của mình bị loại bỏ trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng năm 2018. Bên cạnh đó, việc chiến thắng một cách áp đảo sẽ tạo động lực cho chính quyền của ông Shinzo Abe thúc đẩy quá trình thay đổi Hiến pháp Nhật Bản và tiếp tục chính sách Abenomics.
Xét cho cùng, thành bại trong “ván bài” chính trị này phụ thuộc nhiều vào niềm tin của nhân dân Nhật Bản đối với nhà lãnh đạo của mình, cũng như sự ủng hộ trong nội bộ đảng LDP dành cho ông Abe, hơn là sự cạnh tranh đến từ các chính đảng mới thành lập.