Các tin tức chiến trường cho thấy, các lực lượng chống IS do Nga và Mỹ đứng đầu đã giành được nhiều lợi thế trước nhóm khủng bố này. Ngày 4/6, quân đội Syria được Nga hậu thuẫn đã vượt qua ranh giới tỉnh Raqqa. Trước đó, ngày 3/6, máy bay Nga đã oanh kích dữ dội vùng lãnh thổ do IS chiếm đóng ở các khu vực phía Đông của tỉnh Hama (Syria), mở đường cho quân đội Syria tiến vào sào huyệt của IS.
Đối với các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn, ngày 5/6, các lượng lực Dân chủ Syria (SDF) đã tiến sát thị trấn Manbij, thành trì của IS ở miền Bắc Syria, hướng tới việc cắt đứt tuyến vận chuyển quan trọng của tổ chức khủng bố này.
Quân đội Syria đã giành được nhiều thắng lợi trong cuộc chiến chống IS. (Nguồn: AP) |
Trong khi đó, ở Iraq, ngày 4/6, lực lượng an ninh nước này đã giải phóng thị trấn Saqlawiyah thuộc tỉnh Anbar ở miền Tây từ tay IS. Quân đội Iraq, được sự yểm trợ từ máy bay của liên quân do Mỹ dẫn đầu, đã giành quyền kiểm soát và treo cờ của Iraq lên tòa nhà chính quyền. Đáng chú ý, Hải quân Mỹ cũng trực tiếp tham chiến, cụ thể là hôm 3/6 các chiến đấu cơ của Mỹ đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào IS từ tàu sân bay trên Địa Trung Hải.
Như vậy, IS đang phải đối mặt với các cuộc tấn công lớn trên cả hai mặt trận tại Iraq và Syria. Đây là một trong những chiến dịch lớn nhất được tổ chức bởi các lực lượng chống IS nhằm giành lại những lãnh thổ IS đã chiếm giữ từ năm 2014. Trên thực tế, IS trong một năm qua không thể mở rộng diện tích kiểm soát, do liên minh quốc tế ở Iraq và Syria có tin tức quân sự chính xác hơn, lực lượng bản địa được vũ trang tốt hơn. Thậm chí, IS đang ngày càng mất dần diện tích và phải chuyển sang thế phòng thủ.
Đợt tiến công mới này bước đầu đã mang lại thắng lợi quan trọng cho liên minh chống IS. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy sự cạnh tranh vai trò giữa hai lực lượng do Nga và Mỹ hậu thuẫn. Điện Kremlin muốn chứng tỏ sự hiệu quả và vị thế dẫn đầu của mình kể từ khi can thiệp vào Syria khiến cho Washington không còn nhiều lựa chọn ngoài khả năng buộc phải phối hợp cùng Moscow. Trong khi đó, những thắng lợi của lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn có thể giúp chính quyền Obama tuyên bố giành ưu thế trong mục tiêu đánh bại IS để tập trung vào đàm phán chính trị, buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức.
Tuy nhiên, trên thực tế, IS vẫn là mối đe dọa lớn và phức tạp đối với thế giới. Đây là cảnh báo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon trong một báo cáo công bố ngày 6/6. Trong báo cáo dài 21 trang trình lên Hội đồng Bảo an LHQ, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh dù việc mở rộng lãnh thổ của IS ở cả Iraq và Syria đã ngừng lại và có phần thu hẹp trong nhiều tháng qua nhưng IS vẫn có nhiều khả năng trỗi dậy và không báo cáo nào cho thấy IS đang thiếu hụt vũ khí hay đạn dược.
Điều đó cho thấy, để tiêu diệt hoàn toàn IS, giành thắng lợi trọn vẹn trước nhóm này và quan trọng hơn, không để cho những nhóm khủng bố tương tự có thể hình thành tổ chức và hoạt động, sẽ vẫn còn là chặng đường dài phía trước đối với cộng đồng quốc tế.