📞

“Buồn trông” công nghiệp Ô tô

08:04 | 27/10/2009
Bạn có nghĩ một chiếc xe hiệu INNOVA do Toyota Việt Nam sản xuất tại Vĩnh Phúc là hàng VN hay không, khi chỉ có chưa đầy 15% linh kiện nội địa? Tại sao triển lãm ô tô của VN lại tôn vinh các nhãn hiệu xe ngoại nhập khẩu?

Đó là các câu hỏi đặt ra do Ban tổ chức Triển lãm Quốc tế Ô tô xe máy Việt Nam - Autotech 2009 diễn ra mới đây.

 

Lời hứa... gió bay

 

Thật vậy, trong vòng chưa đầy 10 năm, VN đã cho phép 11 liên doanh sản xuất lắp ráp ô tô vào VN. Tất nhiên để nhận được giấy phép này, hầu hết liên doanh đều cam kết tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 30-40% trong vòng 10 năm, phù hợp với chiến lược phát triển ngành ô tô VN đến 2010 và tầm nhìn 2020 của Chính phủ. Thời hạn đó đã hết, nhưng không liên doanh nào đạt mức nội địa hóa đã cam kết, hầu hết công nghiệp ô tô mới chỉ dừng lại ở lắp ráp với trình độ gần giống nhau, chủ yếu là các công đoạn sản xuất giản đơn như hàn, lắp khung, tẩy rửa, sơn và lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa dưới 15%. Nhưng giá bán xe lắp ráp trong nước thì cao ngất ngưởng so với các nước khác.

 

Vẫn chưa thấy một chiến lược phát triển các ngành phụ trợ phục vụ cho công nghiệp ô tô nào. Ngành cao su, ngành nhựa, ngành hóa chất, ngành thép… cũng vậy, dù có những bước phát triển nhất định nhưng còn xa mới đạt chất lượng mà công nghiệp ô tô đòi hỏi. Không những các liên doanh ô tô có lý do cho sự chậm trễ này, mà thời cơ phát triển cho một số ngành công nghiệp phụ trợ, liên quan đến công nghiệp ô tô ở VN cũng bị bỏ qua.

 

Có lẽ ngay khi cam kết nội địa hóa, không ít trong số 11 liên doanh này cũng biết rằng họ sẽ khó có thể thực hiện được. Vì nội địa hóa được đến đâu lại phụ thuộc vào khả năng phát triển được các ngành phụ trợ và các doanh nghiệp vệ tinh cho công nghiệp ô tô. Quy mô quá nhỏ của thị trường khiến họ không thể hào hứng với việc đầu tư phát triển các ngành phụ trợ, đơn giản vì sẽ không có hiệu quả kinh tế. Quan điểm phát triển công nghiệp ô tô song hành với phát triển công nghiệp phụ trợ là không thể vì khó dùng ý chí chủ quan áp đặt cho thị trường.

 

Đến lúc bỏ bảo hộ

 

Với niềm tin các nhà đầu tư sẽ thực hiện nghiêm túc các cam kết, VN đã dành những ưu đãi và bảo hộ quá mức, mà ít quan tâm đến giám sát, thúc đẩy họ thực hiện những cam kết về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Hệ quả là hơn 10 năm qua, chủ trương bảo hộ ngành ô tô chỉ mang lại lợi nhuận lớn cho các liên doanh sản xuất, lắp ráp trong nước. Chúng ta đã vô tình "giúp sức" cho các đại gia ngành xe hơi thế giới chiếm lĩnh thị phần trong nước, từ đó góp phần "bóp chết" hoặc giảm thị phần những thương hiệu ô tô trong nước. Còn người tiêu dùng thì luôn phải trả giá cao cho các sản phẩm ô tô lắp ráp trong nước với chất lượng, dịch vụ, không bằng các nước khác, với sự chọn lựa rất hạn hẹp.

 

Không dừng lại ở đó, thừa thãi ưu đãi, các liên doanh không phải lo cạnh tranh với nhau, mà chỉ cùng nhau không ngừng than vãn về những khó khăn của họ và liên tục vừa đòi hỏi, vừa vận động Chính phủ tiếp tục bảo hộ cho họ. Không ít nhà kinh tế trong và ngoài nước ngạc nhiên khi thấy trong cam kết với WTO của VN, ô tô là ngành được bảo hộ với hàng rào thuế quan cao và thời hạn dài hơn rất nhiều ngành khác.

 

Họ còn không ngừng cảnh báo về mối nguy ô tô nhập khẩu vượt qua thị phần xe lắp ráp trong nước, khi dự báo lượng ô tô nhập tăng đến 45% trong năm 2009. Tuy nhiên, đến đây, dư luận bức xúc đặt ngược lại, vậy thời gian qua các liên doanh sản xuất ô tô đã phát triển ngành công nghiệp ô tô VN đến mức nào mà lại đòi "bảo hộ"? Tỷ lệ nội địa hóa được bao nhiêu? Người tiêu dùng VN đã được hưởng lợi gì?

 

Anh Minh