OPEC+ nhất trí cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 11/2022. (Nguồn: Reuters) |
Còn nhớ, mới tháng Sáu vừa rồi, dù Mỹ và châu Âu gây sức ép, giá dầu thì đang ở mức cao gần 120 USD/thùng, OPEC+ cũng không điều chỉnh mạnh mà chỉ đồng ý tăng nhỏ giọt thêm 648 nghìn thùng/ngày trong tháng Bảy và tháng Tám. Washington tỏ ra thất vọng và quyết định tiếp tục mở kho dầu dự trữ để kìm giá.
Thực tế cho thấy, sự thận trọng của OPEC+ là có cơ sở. Kinh tế thế giới đang có nguy cơ suy thoái bởi tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine, nhu cầu từ nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu là Trung Quốc lại sụt giảm do biện pháp “Zero Covid”. Hệ quả là dầu đã mất giá trong bốn tháng liên tiếp.
Dù không nói ra nhưng mục tiêu của các nước OPEC+ là giữ giá dầu không xuống quá ngưỡng 90 USD. Chính vì thế, việc giá dầu tụt xuống chỉ còn trên 80 USD như hiện nay và có nguy cơ sẽ tiếp tục lao dốc khiến tổ chức này phải vội vã ra tay. Ngay sau khi OPEC+ dự định cắt giảm sản lượng, giá dầu đã tăng nhẹ. Theo các chuyên gia, việc giá dầu trở lại mức 100 USD/ thùng chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tất nhiên, động thái trợ giá này của OPEC+ sẽ lại khiến Mỹ và các nước châu Âu phật ý. Hiện các nước này đang đau đầu vì lạm phát mà một phần là do chi phí năng lượng tăng cao. Trong khi đó Nga thì lại thở phào vì sẽ có thêm nguồn thu để đối phó với các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây.
Quyết định của OPEC+ đang khiến người vui, kẻ buồn. Nó một lần nữa cho thấy OPEC+ có vai trò khá độc lập và cứng rắn bảo vệ lợi ích của mình, chứ không dễ dàng thỏa hiệp trước sức ép từ bên ngoài.