Sáng 15/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích (Quyết định 45) tại đầu cầu tỉnh Quảng Bình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu trong việc triển khai Quyết định 45 trên cả nước. |
Sau 1 năm, việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đã cơ bản được triển khai trên toàn quốc.
Chuyển biến căn bản nhất là tất cả bộ ngành, địa phương đã rà soát, công bố các TTHC thực hiện theo Quyết định 45, đồng thời tiếp tục bổ sung những TTHC mới. Các cơ quan, chính quyền địa phương, DN, người dân đánh giá rất cao việc triển khai Quyết định 45 như một phương thức hiệu quả trong thực hiện cải cách hành chính, TTHC.
Đa phần các bộ ngành, địa phương đã ban hành đúng thời hạn danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích.
Các ý kiến tại hội nghị cho thấy những tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ đã tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức trong giải quyết TTHC, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn. Đồng thời, bộ phận giải quyết TTHC cũng nâng cao hiệu quả xử lý, tiếp kiệm thời gian, giảm áp lực trong quá trình giải quyết công việc.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Đồng Tháp Nguyễn Thanh Giang cho rằng, mô hình này khi triển khai đã được người dân đồng tình, hài lòng. Hiện Đồng Tháp đã giải quyết đến các TTHC ở cấp xã. Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo việc triển khai Quyết định 45. Dự kiến, năm 2018 Đồng Tháp sẽ khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ hẹn giờ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà dân.
Đến nay đã có 8 triệu lượt hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đã được thực hiện qua mạng lưới dịch vụ bưu chính công ích. Các TTHC điển hình, bao gồm cấp đổi giấy phép lái xe, thu phí xử phạt vi phạm và chuyển trả giấy tờ tạm giữ, cấp đổi hộ chiếu, hồ sơ y tế, phiếu lý lịch tư pháp, hồ sơ xây dựng, chứng minh nhân dân… tất cả các hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được phát đến địa chỉ nhận trong tình trạng không bị suy chuyển, hư hỏng hoặc ảnh hưởng đến nội dung bên trong.
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, việc thực hiện Quyết định 45 đã giúp cơ quan này giảm áp lực trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho DN, người dân.
“Qua dịch vụ bưu chính công ích, BHXH Việt Nam tiếp nhận 3,5 triệu/5 triệu hồ sơ; trả 5,3 triệu/7 triệu kết quả giải quyết. Người dân, DN sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để làm các TTHC về BHXH đều được miễn phí toàn bộ. Nhờ vậy, thời gian giao dịch BHXH của DN giảm từ 335 giờ (năm 2014) xuống 147 giờ (năm 2017). Số đối tượng của BHXH tăng 35%, số thu tăng 2 lần nhưng biên chế không tăng”, ông Ánh thông tin thêm.
Những khó khăn, vướng mắc đặt ra sau 1 năm triển khai Quyết định 45 chủ yếu nằm ở khâu tiếp nhận hồ sơ và chuyển trả kết quả TTHC tại các điểm bưu điện; kết nối thông tin giữa cơ quan giải quyết TTHC với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post); tập huấn, đào tạo cho công chức của đơn vị giải quyết TTHC và nhân viên bưu điện…
Bên cạnh đó, người dân còn có tâm lý e ngại, sợ mất giấy tờ gốc khi sử dụng dịch vụ, nhiều người chưa biết đến dịch vụ này.
“Nhiều TTHC còn quy định rườm rà, bắt buộc các đối tượng có mặt trực tiếp giải quyết một cách không cần thiết”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Hoàng nhận xét.
Trong khi đó Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Cần Thơ, ông Dương Thế Dũng đề xuất các cán bộ, công chức phải có trách nhiệm giới thiệu với người dân về các TTHC có thể được tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích.
Nhiều địa phương cùng chung kiến nghị đẩy nhanh việc đơn giản hoá quá trình giải quyết TTHC; nâng cấp các điểm bưu điện văn hoá xã; tăng cường chất lượng, năng lực của nhân viên bưu điện; đẩy nhanh kết nối, liên thông giữa các cơ quan giải quyết TTHC và VN Post; Bộ TT&TT ban hành kịp thời hơn nữa các văn bản hướng dẫn, xử lý nhanh những vướng mắc khi thực hiện Quyết định 45.
Ghi nhận các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực và kết quả bước đầu trong việc triển khai Quyết định 45 nhằm cung cấp các dịch vụ công rõ ràng, minh bạch, thuận lợi nhất để người dân tiết kiệm thời gian, chi phí.
Phó Thủ tướng khẳng định với Quyết định 45, bưu điện không chỉ là “cánh tay nối dài”, “bộ mặt” của bộ máy hành chính mà còn phải hướng tới là đại diện của chính quyền.
Theo đó, nhân viên bưu điện phải hiểu các TTHC để tư vấn cho bà con, nhân dân. Đây là yêu cầu đòi hỏi sự nỗ lực cả ngành bưu điện với sự hỗ trợ, tập huấn của các cơ quan giải quyết TTHC trước hết là những thủ tục người dân cần nhiều nhất.
“Từ thực tiễn cơ sở, từng nhân viên bưu điện cần ghi chép, tập hợp những TTHC người dân sử dụng nhiều nhất, từ đó phối hợp với các cơ quan Nhà nước để chuẩn hoá dịch vụ, thống nhất quy trình xử lý, phương thức giải quyết. Hiện chúng ta có trên 109.000 TTHC nếu chuẩn hoá được sẽ chỉ còn khoảng 10.000”, Phó Thủ tướng gợi ý.
Về kiến nghị cần phải đẩy nhanh quá trình đơn giản hoá giải quyết TTHC, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chỉ có thể làm được nếu các bộ ngành, địa phương tin học hóa bộ máy hành chính, xử lý hồ sơ công việc bằng máy tính, trên mạng và liên thông tất cả các cấp; tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
“Cả ba việc này phải được thực hiện bằng phương thức thuê dịch vụ CNTT cho từng dịch vụ. Số lượng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 là tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ cải cách hành chính, TTHC của mỗi bộ ngành, địa phương”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn ngành bưu điện tham gia “tích cực, trách nhiệm, quyết liệt” vào quá trình này để đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 đến người dân.