Nhiều năm qua, sản phẩm fillet cá tra, basa đông lạnh Việt Nam đã chịu mức thuế chống bán phá giá cao tại thị trường Mỹ. (Nguồn:fistenet.gov.vn) |
Theo đó, mức thuế mà hai bị đơn bắt buộc là Công ty cổ phần Hùng Vương và Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An lần lượt là 0,36 USD/kg và 0,84 USD/kg. 16 công ty là bị đơn tự nguyện trong đợt xem xét lần này chịu mức thuế là 0,6 USD/kg.
Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), với mức thuế lên đến 0,6 USD/kg, rất khó để các doanh nghiệp cá tra Việt Nam có thể đưa hàng vào Mỹ. Tuy nhiên, theo VASEP, đây mới chỉ là phán quyết sơ bộ của DOC, phía Việt Nam vẫn có thời gian nghiên cứu cách tính toán của DOC để có những phản hồi nhằm thay đổi kết quả.
Theo VASEP, trong 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu được 891 triệu USD sản phẩm cá tra các loại, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng xuất khẩu sang Mỹ đạt 184,5 triệu USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ 2014.
Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21,9% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam có phần dè dặt hơn trong việc xuất khẩu hàng sang Mỹ, trong đó những rắc rối liên quan đến thuế Chống bán phá giá là một trong những nguyên nhân chính.
Trước đó, đầu năm 2015, DOC đã công bố kết quả cuối cùng cho lần rà soát hành chính lần thứ 10 (POR10) đối với sản phẩm fillet cá tra, cá basa Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, với mức thuế áp dụng cho các lô hàng xuất khẩu vào nước này từ ngày 1/8/2012 đến 1/8/2013 mà các công ty Việt Nam phải chịu là 0.97 USD/kg, mức thuế chung cho các doanh nghiệp Việt Nam không được liệt kê trong danh sách là 2.39 USD/kg.
Lên tiếng phản đối kết quả áp thuế chống bán phá giá này, Hiệp hội cá tra Việt Nam khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá sản phẩm fillet cá tra, basa đông lạnh Việt Nam vào thị trường Mỹ. Việc sản phẩm cá tra Việt Nam có giá xuất khẩu cạnh tranh là do các doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau thiết lập các mô hình liên kết chuỗi từ nuôi, chế biến đến xuất khẩu sản phẩm, từ đó dẫn đến việc giảm thiểu chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam còn tận dụng các phụ, phế phẩm từ cá tra để chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng nhằm tăng giá trị và hiệu quả sử dụng con cá tra để tạo ra các loại sản phẩm ngày càng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
PV.