📞

Các cơn bão ngày càng dữ dội

10:14 | 27/10/2008
Chỉ chưa đầy một tháng, khu vực Bắc và Trung Mỹ dọc bờ Đại Tây Dương phải oằn mình trước sự tàn phá của ba cơn bão mạnh liên tiếp Gustav, Hanna và Ike. Còn tại Thái Bình Dương, cơn bão khủng khiếp Nargis hồi tháng 5 cũng làm thiệt mạng hơn 100.000 người ở Myanmar. Bão nhiệt đới đang ngày càng gia tăng cả về số lượng, quy mô lẫn sức tàn phá.

Bão tố ở Đại Tây Dương hay Vịnh Mexico tất nhiên chẳng có gì lạ. Nơi đây mùa bão bắt đầu từ giữa tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Tuy nhiên, nhiều nhân tố - cả tự nhiên và do con người - có thể ảnh hưởng tới số lượng, sức tàn phá, quy mô và tác động của các cơn bão sinh ra mỗi mùa. Chẳng hạn, sự gia tăng của những cơn bão gần đây sau vài thập kỷ tạm lắng là một phần của chu kỳ tự nhiên trong quá trình hình thành bão. Và trong cái khoảng lặng ấy, các cư dân bên bờ biển ra sức xây nhà trên vùng đất mà họ nghĩ là thiên đường, để rồi giờ đây mới nhận ra rằng mình đang phải hứng chịu sự giận dữ của thiên nhiên.

 

Xây dựng dọc bờ biển

 

Năm 2003, hơn một nửa dân số Mỹ (khoảng 153 triệu người) sống dọc bờ biển, tăng 33 triệu người so với năm 1980. Việc xây dựng các khu dân cư trong những thập kỷ gần đây và sự tàn phá môi trường là nguyên nhân làm cho các cơn bão dữ dội hơn. Bà Amanda Staudt, nhà khí tượng học ở Cơ quan Thời tiết Quốc gia (NWS) khẳng định: “Phát triển dân cư dọc bờ biển, điều đó chỉ càng làm cho nhiều người phải hứng chịu thảm họa”. Điều này đặc biệt đúng ở Florida, Texas và Bắc Carolina, nơi dân số tăng nhanh nhất.

 

Theo bà Staudt, các đảo san hô và những vùng đất ướt bên bờ biển là những “hàng rào” thiên nhiên ngăn chặn sự hình thành bão biển, làm chậm tốc độ và làm giảm nhẹ tác động của bão. Các nghiên cứu cho thấy cứ một hecta đất ướt giảm được chi phí thiệt hại do bão gây ra khoảng 3.300 USD. Nhưng phát triển mạnh khu dân cư dọc bờ biển đã làm thiệt hại những rào cản tự nhiên này.

 

Đại dương ấm lên

 

Trong khi đó, đại dương đang ấm lên. Nhiệt độ đại dương trên toàn cầu đã tăng khoảng 0,1oC trong 30 năm qua. Đại dương giống như một “động cơ nhiệt” tiếp sức cho các cơn bão nhiệt đới.

Theo nghiên cứu, nhiệt độ nước biển cứ tăng 1oC sẽ kéo theo mức tăng 31% các cơn bão cấp độ 4 và 5, tức là số lượng bão mạnh trung bình hằng năm tăng 13 lên 17 vụ. Đây là con số đáng ngại, vì theo tính toán, từ nay đến năm 2100, nhiệt độ nước biển sẽ tăng thêm 2-4oC.

 

Một nghiên cứu khác gần đây cũng cho thấy sự ấm nóng toàn cầu có thể kéo dài mùa bão; khi các vùng nước ấm ở Đại Tây Dương mở rộng, sẽ có thêm nhiều cơ hội hình thành bão, đặc biệt là vào đầu mùa. Mưa rào do bão mang đến cũng có thể nhiều lên do khí hậu Trái đất ấm lên. Các nghiên cứu đã chứng minh một trong những phần gây thiệt hại nhất của bão là mưa rào.

 

Những chu kỳ tự nhiên

 

Sự thay đổi khí hậu thất thường của tự nhiên xảy ra không chỉ ảnh hưởng tới một trận bão. El Nino và La Nina chẳng hạn, có thể ảnh hưởng tới hoạt động của bão từ năm này sang năm khác, thậm chí từ thập kỷ này sang thập kỷ khác. El Nino xảy ra khi những vùng nước ở Thái Bình Dương trở nên ấm hơn, có thể làm thay đổi luồng không khí hiện tại và kiềm chế phát triển bão ở Đại Tây Dương. Các nhà dự báo thời tiết cho rằng chính El Nino là lý do làm cho mùa bão 2006 “trầm lắng”, nhưng 2 năm sau, bão dồn dập tới mức kỷ lục. Còn La Nina (nước ở Thái Bình Dương trở nên lạnh hơn) sẽ thường xuyên gây bão.

 

Với sự ấm lên toàn cầu cùng sự gia tăng cư dân ven biển, sự tàn phá môi trường và cả ảnh hưởng của chu kỳ tự nhiên, phần lớn các nhà khí tượng học khẳng định “sức công phá của các cơn bão trong tương lai sẽ ngày càng dữ dội hơn”.  

 

Hoàng Thanh(Theo LiveScience)